Những ngày qua, các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em đến khám và nhập viện do mắc sốt xuất huyết.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, mỗi ngày ghi nhận từ 100-150 trường hợp bệnh nhi đến khám sốt xuất huyết và có khoảng 10% nhập viện, trong đó có ca nặng phải cấp cứu tích cực.

Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, cho biết mới đây, đơn vị tiếp nhận 2 trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng.

Đó là trường hợp của bé trai L. A. S., 12 tuổi, ngụ quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, bệnh nhi sốt cao liên tục 4 ngày, nôn, tiêu chảy… người nhà nghĩ bé bị rối loạn tiêu hóa, tự mua thuốc về uống nhưng bệnh không đỡ.

Sau đó, gia đình đưa bệnh nhi đến bệnh viện quận với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, rối loạn đông máu và chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Bệnh nhi thứ 2 (12 tuổi, ngụ huyện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cũng bị sốt cao liên tục, đau bụng, nôn…

Bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán bệnh nhi sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, cả hai bệnh nhi được truyền dịch cao phân tử chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, điều chỉnh rối loạn đông máu. Phải mất gần 10 ngày các bệnh nhi mới có dấu hiệu cải thiện dần, tỉnh táo trở lại.

Từ đầu tháng 4/2022 đến nay, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết thể nặng kèm suy đa cơ quan.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ảnh: TTXVN
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ảnh: TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, việc hồi sức ở những trẻ này rất phức tạp, tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này nếu vượt qua được.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính tới giữa tháng Tư vừa qua, thành phố ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết; trong đó, có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện.

Trước tình hình gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết giai đoạn đầu mùa dịch năm 2022, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng triển khai tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố và các tỉnh phía Nam.

Từ ngày 20/4 đến nay, nhiều buổi tập huấn đã được tổ chức. Các học viên cho biết, chương trình tập huấn kịp thời củng cố và cập nhật điểm mới trong chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết. Qua đó, giúp nâng cao năng lực của bác sỹ tuyến quận, huyện Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh về chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng để kịp thời có biện pháp can thiệp phù hợp.

Cùng với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận.

Bác sỹ Trần Ngọc Hạnh Đan, Khoa Nhiễm-Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết một thời gian sau khi trẻ mầm non quay trở lại trường học cũng là lúc bệnh tay chân miệng ở trẻ em bắt đầu xuất hiện.

Từ tháng Tư đến nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho khoảng 10 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng.

Tay chân miệng chủ yếu tấn công và lây lan ở nhóm trẻ trong độ tuổi mầm non, hiện nay các ca bệnh nhập viện chủ yếu ở mức độ nhẹ và vừa. Tuy nhiên, khi số trẻ mắc bệnh gia tăng sẽ kéo theo xuất hiện các ca nặng.

Còn bác sỹ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng thành phố cảnh báo, số ca mắc tay chân miệng nặng đang có xu hướng gia tăng và đã xuất hiện một số trường hợp nguy kịch.

Sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Bệnh có thể tiến triển thành bệnh sốt xuất huyết nặng, đặc trưng bởi sốc, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng và / hoặc suy giảm nội tạng nghiêm trọng.

Chẩn đoán sốt xuất huyết có thể khó khăn vì các dấu hiệu và triệu chứng của nó có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Cần nghi ngờ mắc sốt xuất huyết khi sốt cao kèm theo 2 trong số các triệu chứng sau: Nhức đầu dữ dội; Đau sau mắt; đau cơ và khớp; Buồn nôn; nôn; Sưng hạch hoặc phát ban.

Các triệu chứng thường kéo dài từ 2-7 ngày, sau thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt.

Sốt xuất huyết nặng là một biến chứng có thể gây chết người. Hiện, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết / sốt xuất huyết nặng, nhưng việc phát hiện sớm và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp giúp giảm tỷ lệ tử vong.

Sốt xuất huyết thường xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa, vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.

Đặc biệt, các triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với COVID-19, cộng với tâm lý lo ngại đi bệnh viện của nhiều người dân, nên nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại bệnh thành 2 loại chính, bao gồm: Sốt xuất huyết (có/không có dấu hiệu cảnh báo) và sốt xuất huyết thể nặng.

Đa phần các trường hợp sốt xuất huyết đều có khả năng tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân có nguy cơ tiến triển thành thể nặng, gây nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Việc chia nhóm bệnh có và không có dấu hiệu cảnh báo giúp bác sĩ dễ dàng phân loại bệnh nhân nhập viện, đảm bảo theo dõi chặt chẽ và giảm nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn.

TP HCM: Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng ở trẻ gia tăng
Bệnh chân tay miệng. Ảnh minh họa

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch chân tay miệng do virus đường ruột gây ra. Nguyên nhân gây bệnh do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối

Bệnh chân tay miệnglây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.

Dịch tay chân miệng có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng cao và khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Đặc biệt, trong giai đoạn này trẻ có thể chậm nói, chậm vận động...nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Các biến chứng này bao gồm:

Biến chứng về não bộ như: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não. Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược,rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,...

Biến chứng tim mạch, hô hấp bao gồm: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời