Hà Nội không cho nhà đầu tư có vi phạm tham gia các dự án nhà ở mới

Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, trên địa bàn hiện có 1.135 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng; đã thành lập 804 ban quản trị nhà chung cư; đã có 723/804 nhà chung cư bàn giao hồ sơ cho ban quản trị, đồng thời có 567/804 nhà chung cư bàn giao kinh phí bảo trì 2%. Tuy nhiên, trong quá trình này vẫn tồn tại nhiều bất cập, như chưa giải quyết triệt để, vẫn còn các tranh chấp khiếu kiện về quỹ bảo trì, quản lý diện tích thuộc sở hữu chung, bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, chỗ để xe… phát sinh nhiều điểm nóng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn chưa thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, kinh phí bảo trì, diện tích sở hữu chung – riêng.

Một số ban quản trị còn vi phạm trong sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý, vận hành nhà chung cư; chưa hiểu đầy đủ quy định của pháp luật về nhà ở trong từng thời kỳ cụ thể nên dẫn đến bất đồng, tranh chấp với chủ đầu tư và cư dân…

Tin tức bất động sản ngày 21/11: Hà Nội không cho nhà đầu tư có vi phạm tham gia các dự án nhà ở mới
Tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại dự án chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện không cho phép các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư.

UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng báo cáo, xin ý kiến Bộ Xây dựng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều hạn chế, vi phạm tại tỉnh Đắk Lắk

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra số 2012/TB-TTCP ngày 11/11/2022 về trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN) và công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Việc thực hiện công khai ngân sách Nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định. Công tác đấu thầu các dự án công chưa hiệu quả, tỷ lệ giảm giá bình quân chung toàn tỉnh thời gian qua 2,26% là quá thấp so với bình quân chung toàn quốc khoảng 6% (nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chưa đạt mục tiêu trong đấu thầu là tiết kiệm ngân sách, trong đó cá biệt có gói thầu đấu thầu tỉ lệ giảm dưới 0,12%.

Việc công khai kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu của một số chủ đầu tư còn chậm, chưa đáp ứng về thời gian. Một số gói thầu được thanh tra chất lượng hồ sơ mời thầu, báo cáo đánh giá hồ sơ thầu còn chưa đúng mẫu quy định; một số tiêu chí quy định chưa phù hợp, chưa chặt chẽ, rõ ràng làm ảnh hưởng đến tính khách quan, minh bạch, hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu.

Trong đó, có 6 gói thầu được kiểm tra thấy áp dụng định mức chưa phù hợp khi lập dự toán, một số khối lượng trong hợp đồng không thực hiện, biện pháp thi công của nhà thầu chưa nhất quán trong thuyết minh và trong xây dựng đơn giá dẫn đến làm tăng giá trị gói thầu số tiền gần 1,5 tỉ đồng, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho một trường hợp tại Sở Xây dựng, qua kiểm tra xác minh ban đầu thấy chưa rõ ràng minh bạch về điều kiện tiêu chuẩn…

Trên địa bàn tỉnh, tình trạng tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp; có nhiều vụ việc khiếu kiện đông người mà nội dung chủ yếu liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa người dân với các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp; tranh chấp giữa người dân địa phương với người dân di cư tự do; giữa người dân với các cơ quan Nhà nước liên tục xảy ra, nhiều vụ việc tập trung đông người kéo lên tỉnh, trung ương khiếu kiện gây mất an ninh trật tự.

Về công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án (DA) đầu tư ngoài ngân sách cũng còn có một số tồn tại, vi phạm.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện như: TP Buôn Ma Thuột, huyện M’Drắc, huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp, huyện Ea H’leo chưa sát với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Một số chỉ tiêu được phê duyệt và thực tế thực hiện chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu kế hoạch được duyệt, nhiều chỉ tiêu đạt với tỷ lệ quá thấp.

Từ năm 2014 đến năm 2020, giá đất trên thị trường có nhiều biến động, theo hướng tăng, nhưng UBND tỉnh chưa kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định để làm căn cứ xác định giá đất, khi Nhà nước thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại một số địa bàn làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Tại một số huyện, thành phố, thị xã công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai vẫn còn sai sót, thời gian giải quyết để kéo dài, gây bức xúc cho dân; quản lý hồ sơ địa chính còn chưa chặt chẽ, chưa thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động trên các số mục kê, sổ địa chính và bản đồ địa chính kịp thời, đúng quy định.

Ngoài ra, còn có tình trạng cho phép một số hộ chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích từ đất phi nông nghiệp sang đất ở vượt hạn của UBND tỉnh.

Tại TP Buôn Ma Thuột tạo điều kiện cho các hộ dân hiến đất mở đường nội bộ trong phần đất đang quản lý, sau đó tách thửa xin chuyển mục đích sang đất ở chuyển nhượng thu lợi trái phép. Giao đất cho 6 hộ tại TP Buôn Ma Thuột xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, làm thất thu ngân sách theo ước tính khoảng gần 2,5 tỉ đồng.

Tình trạng lấn chiếm xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp còn diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp, thời gian dài nhưng không được các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp xử lý dứt điểm dẫn đến hệ lụy sau này khó giải quyết, tiềm ẩn phát sinh các điểm nóng về khiếu kiện đông người đặc biệt là tại 7 đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam trên địa bàn huyện Cư Kuin…

Thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, theo báo cáo của UBND tỉnh, diện tích rừng tự nhiên suy giảm là 27.460,3ha. Hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, chưa đủ nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và giải quyết các vấn đề dân sinh kinh tế, xã hội liên quan đến rừng, đất rừng.

Nguyên nhân chủ quan do chủ rừng một số nơi có tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm, UBND cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

Tin tức bất động sản ngày 21/11: Hà Nội không cho nhà đầu tư có vi phạm tham gia các dự án nhà ở mới
Dự án nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H’leo được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm.

Đối với công tác quản lý các DA đầu tư ngoài ngân sách còn nhiều bất cập. Các DA có sử dụng đất, việc UBND tỉnh Đắk Lắk chủ yếu áp dụng hình thức để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức quyết định chủ trương đầu tư không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc qua đấu giá quyền thuê đất với lý do địa bàn ưu đãi đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận, Thanh tra Chính phủ không kết luận lại, nhưng qua thanh tra thấy việc áp dụng hình thức trên cho hầu hết tất cả DA đầu tư trên địa bàn là không phù hợp thực tế, giảm nguồn thu ngân sách.

Trong đó, danh mục kêu gọi đầu tư DA Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí tại số 81 đường Nguyễn Tất Thành, Buôn Ma Thuột không được công bố công khai theo quy định. Đối với khu đất trụ sở Công an phường và Đội Thuế, UBND tỉnh Đắk Lắk không thực hiện sắp xếp quản lý tài sản công; việc thực hiện thanh lý tài sản và cho thuê không thông qua đấu giá là chưa phù hợp với quy định Chính phủ.

Việc phê duyệt chủ trương đầu tư và giám sát đầu tư đối với các DA ngoài Nhà nước còn chưa chặt chẽ, hiệu quả như: Một số DA hết thời hạn đầu tư nhưng chưa kịp thời giãn, điều chỉnh tiến độ; DA chậm tiến độ, DA không đưa đất vào sử dụng vi phạm Luật Đầu tư, một số DA không hiệu quả, không triển khai nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời.

Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về trật tự xây dựng đối với các DA đầu tư tại TP Buôn Ma Thuột phát hiện vi phạm nhưng xử lý không triệt để. Đặc biệt là DA nhà ở thương mại tại Khối 7, phường Tân Lợi và DA Nhà ở xã hội khu tập thể Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk. Để xảy ra vi phạm về đất đai, xây dựng nghiêm trọng, diễn ra thời gian dài, báo chí nêu, dư luận bức xúc nhưng việc xử lý chưa dứt điểm, chưa cương quyết áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 107 Luật Xây dựng 2014.

Việc quản lý các DA khoáng sản còn chưa chặt chẽ, tuân thủ các quy định của Luật Khoáng sản như: Không tổ chức đấu thầu mỏ trong khi chưa khoanh định khu vực không đấu thầu; để một số doanh nghiệp chưa hoàn thành nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; khai thác ngoài phạm vi, vượt công suất, vượt thời gian được cấp phép; hết hạn giấy phép nhưng vẫn khai thác, không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn thành việc đóng cửa mỏ khi hết thời hạn khai thác.

Việc quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tổ chức thực hiện một số DA như: Trang trại Phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1), huyện Ea H'leo; Nhà máy Điện gió Ea Nam, huyện Ea H’leo; trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng và DA Nhà máy Điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk, huyện Ea Súp có một số sai phạm, tồn tại nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Trong đó, Dự án nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H’leo - Chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam, chưa có quyết định thu hồi và bàn giao ký hợp đồng thuê đất, hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng nhưng Chủ đầu tư đã tiến hành thi công xây dựng trụ móng tuabine, nhà điều hành, trạm biến áp vi phạm khoản 2 Điều 7 Thông tư 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương; điểm c khoản 6 Điều 33 và Điều 42 Luật Đầu tư 2014; điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013; ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp và người dân địa phương. Đến nay theo báo cáo UBND tỉnh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu Chủ đầu tư hoàn thiện trình tự, thủ tục của dự án để đưa Dự án vào vận hành, phát điện theo quy định nhưng những sai phạm, tồn tại cần được kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Từ những nội dung kết luận, nhận xét, đánh giá nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, căn cứ kết quả thanh tra, tiến hành kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của UBND tỉnh và các cá nhân về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu tại Kết luận thanh tra.

Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ kết quả thanh tra, căn cứ thẩm quyền chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân để xảy ra thiếu sót, tồn tại, vi phạm; giao Sở Nội vụ hướng dẫn việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại đã được nêu trong Kết luận thanh tra. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý về kinh tế với tổng số tiền 535.608 triệu đồng.

Khánh Hòa tổng rà soát các dự án 'đất ở không hình thành đơn vị ở'

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát các dự án có loại đất ở không hình thành đơn vị ở.

Trong văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh yêu cầu xác định tổng số các dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (kể cả tại các quyết định về quy hoạch xây dựng) có loại đất ở không hình thành đơn vị ở; bao nhiêu dự án đã chuyển từ đất ở không hình thành đơn vị ở sang đất thương mại, dịch vụ; nghĩa vụ tài chính liên quan đối với các trường hợp đất ở không hình thành đơn vị ở.

Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu rà soát bao nhiêu trường hợp chủ đầu tư không thống nhất thực hiện chuyển từ đất ở không hình thành đơn vị ở sang đất thương mại, dịch vụ; nguyên nhân vì sao và đề xuất phương án xử lý đối với các trường hợp này.

Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa diễn ra hồi tháng 6/2022, liên quan đến hàng loạt kiến nghị tháo gỡ những điểm nghẽn đối với dự án có “đất ở không hình thành đơn vị ở”, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đây là khái niệm không có trong Luật đất đai do đó, những dự án chưa hình thành thì chuyển về đất thương mại dịch vụ như quy hoạch ban đầu.

Đối với các dự án đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp, đề xuất hai hướng xử lý. Thứ nhất, với các dự án thuộc khu vực xét thấy đủ cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, giao thông… thì có thể chuyển thành đất ở, chủ đầu tư phải nộp thêm ngân sách để chuyển đất thương mại dịch vụ sang đất ở theo quy định.

Còn với các dự án không thể điều chỉnh, Khánh Hòa đã đề xuất với Trung ương chuyển về đúng với quy hoạch ban đầu là đất thương mại dịch vụ nhưng có thể căn cứ vào giấy phép đầu tư tỉnh sẽ báo cáo Trung ương cấp số hồng cho các nhà đầu tư thứ cấp là sở hữu trong 50 năm.

"Tỉnh cấp là để doanh nghiệp làm du lịch chứ không phải bán, thời gian qua nhiều người dân yêu cầu tỉnh cấp sổ đỏ là không hợp lý. Đối với những dự án đã cấp sổ sai thì tiến hành thu hồi để hủy, hoặc tiến hành kiểm tra lại quy hoạch xem có phù hợp không. Khánh Hòa đang xin Chính phủ thực hiện theo hướng này. Các dự án condotel hiện nay có giá trị hơn 30 triệu USD, đây là con số rất lớn vì thế nếu đề xuất được đồng ý thì sẽ khơi thông được rất nhiều dự án ở Khánh Hòa”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin.

Sắp ra mắt dự án khu đô thị Xuân Thảo Residence tại Long An

Xuân Thảo Residence có vị trí tọa lạc tại mặt tiền đường Hương lộ 10, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án có phía Bắc giáp đường Hương Lộ 10 và khu dân cư hiện hữu; phía Nam giáp khu dân cư; phía Đông Nam giáp rạch Ông Thoàn; phía Tây giáp đường ấp 7A và khu dân cư hiện hữu.

Xuân Thảo Residence có vị trí tọa lạc tại mặt tiền đường Hương lộ 10, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án có phía Bắc giáp đường Hương Lộ 10 và khu dân cư hiện hữu; phía Nam giáp khu dân cư; phía Đông Nam giáp rạch Ông Thoàn; phía Tây giáp đường ấp 7A và khu dân cư hiện hữu.

Dự án Xuân Thảo Residence có tổng diện tích 38.485,2 m2, tổn vốn đầu tư là 417 tỷ đồng. Trong đó, diện tích đất được chia thành các hạng mục bao gồm:

Đất ở (đất ở liền kề và đất ở hỗn hợp) có diện tích 19.875,7 m2, chiếm 51,6%.

Đất xây dựng công trình dịch vụ và công cộng: 4.979,5 m2, chiếm 12,9%.

Đất giao thông 11.808,7 m2, chiếm 30,7%.

Phần còn lại dành cho đất cây xanh công cộng 1.601 m2 và đất hạ tầng kỹ thuật 219 m2.

Xuân Thảo Residence được thiết kế xây dựng với các loại hình nhà phố và shophouse. Cung cấp ra thị trường khoảng 199 lô có diện tích trung bình trong khoảng từ 80 – 200 m2.

Tin tức bất động sản ngày 21/11: Hà Nội không cho nhà đầu tư có vi phạm tham gia các dự án nhà ở mới
Phói cảnh TTTM tại Xuân Thảo Residence.

Dự án Xuân Thảo Residence là khu dân cư kết hợp giữa khu nhà ở và khu thương mại, hướng đến nhu cầu về cuộc sống hiện đại, tiện nghi. Sở hữu những tiện ích nội khu bao gồm: Khu trung tâm thương mại, trường mẫu giáo, nhà văn hóa, công viên cây xanh…

Chủ đầu tư dự án Xuân Thảo Residence Long An là Công ty Cổ phần Bất động sản Xuân Thảo, được thành lập ngày 05/11/2018, đặt trụ sở tại số 02A lô 3, ấp 6, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Theo tìm hiểu dự án Xuân Thảo Residence có tên pháp lý là Khu nhà ở Xuân Thảo Mỹ Yên, được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 3970/QĐ-UBND tỉnh Long An ngày 05/05/2022.

Theo văn bản chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư số 3970/QĐ-UBND ngày 05/05/2022, tổng vốn đầu tư của dự án được tăng từ 60 tỷ đồng lên 417 tỷ đồng. Trong đó chủ đầu tư Công ty Cổ phần Bất động sản Xuân Thảo với số vốn góp 83,4 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng số vốn.

Ngày 09/11/2022, Công ty Cổ phần Bất động sản Xuân Thảo được UBND tỉnh Long An ra quyết định số 10541/QĐ-UBND giao đất đợt 1 với diện tích 34.671,8 m2. Trong tổn diện tích đất được giao, có 296,4 m2 đất công do nhà nước quản lý, 1.600 m2 đất ở và chuyển mục đích sử dụng đất 32.775,4 m2 từ đất nông nghiệp sang đất ở tại nông thôn.