Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát triển cân bằng, hài hòa để giảm lao động di cư

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) về cách tiếp cận xây dựng giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 7 vấn đề tiếp cận theo diễn biến dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc xin và khả năng cung ứng thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới; xây dựng chính sách theo hướng mở, có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế; vừa hỗ trợ phục hồi nhanh trong ngắn hạn, vừa lồng ghép với các chiến lược dài hạn; các chính sách bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các chính sách phải tác động cả từ phía cung và phía cầu, về cả kinh tế lẫn an sinh xã hội, có trọng tâm trọng điểm; phù hợp với khả năng huy động và trả nợ; có giải pháp giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn.

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) giải quyết tình trạng lao động về quê trong đại dịch như thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là vấn đề chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm ứng phó. Bộ trưởng đưa ra 4 vấn đề trong lĩnh vực quản lý, đó là quy hoạch, đầu tư, cơ chế chính sách và xây dựng thị trường lao động; từ đó để bảo đảm định hướng phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng miền, địa phương. Cung - cầu lao động được dịch chuyển hợp lý, phát triển giữa các vùng miền hợp lý thì việc dịch chuyển lao động sẽ giảm.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp “yếu”

Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) tranh luận tại hội trường.

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) bày tỏ sự quan tâm đến việc tăng bội chi, tăng nợ công khi nợ công như thế nào cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay còn khó khăn do dịch bệnh; đồng thời thực hiện các giải pháp để tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công. Cùng với đó là vấn đề giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó giúp Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ thực hiện tốt vấn đề này.

Còn đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) tranh luận cho rằng, cần đánh giá kỹ thực trạng các doanh nghiệp rút khỏi thị trường thời gian qua, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cần có các gói hỗ trợ doanh nghiệp này về thuế, vốn… để chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2022 là từ 6-6,5%. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn vai trò của ngân hàng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua cũng như các giải pháp thời gian tới.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) tranh luận về gói hỗ trợ sau đại dịch và gói hỗ trợ nếu đủ lớn thì có thể tăng bội chi ngân sách, còn không đủ thì sẽ khó phục hồi kinh tế. Đại biểu cho rằng, trong các báo cáo của Chính phủ thì thấy các gói hỗ trợ này còn riêng lẻ, chưa có kế hoạch tổng thể cũng như dự báo về ngân sách, tài khóa và tiền tệ mà chúng ta đang dành cho nền kinh tế. Cùng với đó là các nguồn lực của xã hội hỗ trợ cho phục hồi nền kinh tế. Trả lời các tranh luận trên của đại biểu, Bộ trưởng cho biết việc tăng bội chi, nợ công cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế có phá vỡ hệ thống tài chính, ngân hàng hay không đã được Bộ nghiên cứu, tính toán rất kỹ. Việc này đã được Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán rất kỹ để vừa bảo đảm cân đối vĩ mô, vừa bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế.

Về vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng cho biết đây là khó khăn lâu nay mà chúng ta chưa giải quyết được triệt để nhằm thúc đẩy trong thời gian tới. Nếu những khó khăn trong đầu tư công không được giải quyết thì gói kích thích kinh tế sắp tới cũng khó có thể giải ngân được. Còn những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Bộ trưởng cho biết do tổng thầu, sản lượng và doanh thu giảm nên gây khó cho doanh nghiệp. Cùng với đó là các chi phí của doanh nghiệp cao, nguồn nguyên vật liệu khó khăn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và khó khăn về chuyên gia, lao động. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 thì tình hình đã bắt đầu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất đến 80%, lao động trở lại làm việc.

Bộ trưởng chỉ ra 5 khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian tới, như vốn, lao động, công tác phòng, chống dịch… Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ doanh nghiệp “khỏe” tức là có doanh thu, còn các doanh nghiệp “yếu” thì chưa được quan tâm hỗ trợ. Vì thế, sắp tới Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp “yếu” này khi họ không có doanh thu.

Về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, Bộ trưởng cho biết nếu chúng ta không nới trần nợ công và bội chi thì không có nguồn lực phát triển, ngược lại nếu nới cao thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế khi nợ công tăng cao. Vấn đề ở đây là nới bao nhiêu và ở mức nào phù hợp là điều mà Bộ đang nghiên cứu, xây dựng các kịch bản để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tạo thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh

Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc).

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi về công tác lập quy hoạch quốc gia và Bộ đánh giá như thế nào về công tác này để năm 2022 hoàn thành việc lập quy hoạch này? Còn đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết cử tri quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch; chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến, Bộ trưởng cho biết việc lập quy hoạch là vấn đề hết sức quan trọng, song trên thực tế còn chậm do nhiều nguyên nhân. Bởi lần đầu tiên chúng ta thực hiện tích hợp theo Luật Quy hoạch để làm quy hoạch tổng thể, trước đây chỉ làm quy hoạch từng ngành, nên việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Đến nay, Bộ đã xây dựng xong khung định hướng quy hoạch quốc gia và 5 vùng kinh tế, để sớm trình Chính phủ. Từ đó, các ngành, địa phương căn cứ vào quy hoạch định hướng này để xây dựng quy hoạch của địa phương, ngành mình. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các quy hoạch phải hoàn thành trước ngày 31-12-2022 và Bộ đang đôn đốc các đơn vị, địa phương để hoàn thành các quy hoạch này đúng hạn.

Về câu hỏi của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Bộ trưởng cho biết môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Dù cộng đồng quốc tế đánh giá cao, liên tục thăng hạng và Chính phủ có Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, song, thực tế vẫn còn những vấn đề cần phải rà soát điều chỉnh để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là vấn đề đất đai, hạ tầng, nhân lực, hệ thống pháp luật… cần phải tăng cường và chú trọng hơn nữa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất

Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình trước Quốc hội.

Báo cáo trước Quốc hội về những vấn đề đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu, từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Ngân hàng Nhà nước trong tổ chức điều hành đã giảm 3 lần lãi suất với tổng mức giảm từ 1,5% - 2%, là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực. Ngoài điều hành lãi suất của ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm các mức lãi suất với cả các khoản cho vay cũ và mới. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1,66% so với trước dịch. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm với tổng mức khoảng lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng; tiếp tục thực hiện giảm từ nay cho đến cuối năm. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đã giảm phí với mức giảm hơn 2.000 tỷ đồng cho các khách hàng. Việc giảm lãi suất đã giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp và người dân.

Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2021, khả năng chỉ tiêu lạm phát dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội đề ra có thể đạt được bởi đến hết tháng 10, lạm phát mới tăng 1,81%. Tuy nhiên, năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn... Ở thị trường trong nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực của mình chứ không phải tiền từ ngân sách... Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục giảm lãi suất nhưng vẫn bảo đảm an toàn của từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống.

Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội.

Tiếp đó, giải trình trước Quốc hội về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu, thời gian tới, Bộ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội thực hiện chính sách thuế như giãn, hoãn thuế, giảm một số loại phí, miễn và giảm các thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế các hộ sản xuất kinh doanh, miễn phạt tiền chậm nộp với các đơn vị kinh doanh thua lỗ… như năm 2021. Bộ cũng tập trung thu trên nền tảng số và sàn thương mại điện tử, phát hành hóa đơn điện tử, tránh hóa đơn giả, tránh hoàn thuế, trục lợi, trốn thuế; thực hiện các khoản thu bất động sản, chuyển nhượng bất động sản, chống chuyển giá, trốn thuế…

Bộ ủng hộ các gói kích cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các gói kích cầu này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, đồng thời giữ bội chi ngân sách trong năm 2022-2023; giảm bội chi ngân sách các năm tiếp theo, làm cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

“Theo tính toán, nếu chúng ta bỏ ra mỗi năm 20.000 tỷ, trong 2 năm 2022-2023 là 40.000 tỷ, với lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp 4%, chúng ta huy động 1 triệu tỷ bỏ vào nền kinh tế, không làm tăng nợ công và bội chi ngân sách bởi nguồn này lấy trong nguồn đầu tư chưa phân bổ giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, một số gói nữa như phát hành trái phiếu chính phủ, phát hành công trái, trái phiếu tiền tệ huy động trong dân. Các gói này huy động 180.000 tỷ, mỗi năm chỉ gây tăng bội chi ngân sách khoảng 1%”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về các gói kích cầu...

Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Về chi ngân sách, Bộ trưởng cho biết phải tiết kiệm chi thường xuyên, cả chi đầu tư phát triển; tiếp tục cắt giảm 10% dự toán phân bổ ngân sách cho các tỉnh, bộ, ngành so với định mức Thường vụ Quốc hội ban hành; cắt 5% chi tiếp khách, công tác... để tập trung vào đầu tư và chống dịch.

Hai dự án trọng điểm quốc gia vẫn triển khai chậm

Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội.

Phát biểu làm rõ một số chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hết tháng 9-2021 ngành Giao thông giải ngân đạt 61,2%, tuy nhiên so với yêu cầu, đặc biệt là 2 dự án trọng điểm quốc gia là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay quốc tế Long Thành vẫn triển khai chậm do nhiều nguyên nhân. Đối với dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, 3 dự án thành phần được thực hiện theo phương thức đầu tư công đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành đúng tiến độ; 3 dự án được chuyển từ phương thức đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư công từ năm 2020 đang đạt tiến độ từ 20-35%, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022; 2 dự án được chuyển từ PPP sang đầu tư công từ năm 2021 sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2023.

Riêng 3 dự án còn lại được đầu tư theo hình thức PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện đang gặp nhiều khó khăn do khả năng huy động tín dụng của nhà đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải đang tích cực làm việc với nhà đầu tư và ngân hàng để triển khai ký hợp đồng tín dụng, thu xếp nguồn vốn. Đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, với tiến độ giải phóng mặt bằng hiện nay, đến tháng 3-2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ tiến hành đồng loạt các gói thầu, bảo đảm đến tháng 12-2025 cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, đưa sân bay vào khai thác.