Những điều cần biết khi kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
Thủ tục đăng ký công bố thực phẩm chức năng, công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Để lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng có tác dụng duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh thì doanh nghiệp, tổ chức cần hoàn thiện các hồ sơ pháp lý như sau:
1. Gia công, sản xuất sản phẩm nhà máy có giấy chứng nhận GMP được Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cấp phép;
2. Hoàn thiện tem nhãn sản phẩm theo đúng quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về tem nhãn sản phẩm;
3. Thực hiện việc chuyển mẫu sản phẩm đi thử nghiệm để đảm bảo rằng sản phẩm an toàn với người sử dụng;
4. Hoàn thiện việc nộp hồ sơ công bố thực phẩm chức năng tại hệ thống dịch vụ công của Cục An toàn Thực phẩm- Bộ Y tế;
5. Sau 5 - 7 ngày làm việc, khách hàng sẽ nhận được kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký bản công bố nếu sử dụng gói dịch vụ tư vấn thủ tục đăng ký công bố Thực phẩm chức năng nhanh nhất tại Luật Đông Á;
Đối với với việc kinh doanh, phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu về lưu hành tại Việt Nam, thương nhân Việt Nam khi nhập khẩu sản phẩm cần phải chuẩn bị các tài liệu quan trọng như sau:
1. Giấy chứng nhận lưu hành tự do - CFS do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép;
2. Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất Thực phẩm chức năng – GMP do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép GMP hoặc các tổ chức chứng nhận toàn cầu có chức năng cấp chứng nhận GMP cho doanh nghiệp mà được Việt Nam thừa nhận;
3. Bản tiêu chuẩn sản phẩm - Bản SPEC;
4. Tem nhãn chính của sản phẩm - Tem nhãn của nhà sản xuất;
5. Mẫu sản phẩm;
6. Toàn bộ tài liệu nêu trên cần phải được dịch thuật và công chứng trước khi nộp hồ sơ đăng ký công bố thực phẩm chức năng tại Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế.
Thủ tục xin cấp Giấy xác nhận quảng cáo, giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng
Sau khi cấp số đăng ký công bố thực phẩm chức năng để lưu hành sản phẩm ra thị trường và bán rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Doanh nghiệp, tổ chức cần tiến hành xin giấy xác nhận quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi lưu hành sản phẩm ra thị trường.
Hồ sơ xin cấp giấy xác nhận quảng cáo cần có:
1. Kịch bản nội dung dự kiến quảng cáo;
2. Bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến bằng audio, video – Đối với quảng cáo truyền hình, phát thanh;
3. Scan ĐKKD của doanh nghiệp;
4. Giấy đăng ký và bản đăng công bố sản phẩm;
5. Mẫu nhãn sản phẩm đã được Cục An Toàn thực phẩm- Bộ Y tế cấp phép;
6. Bản thông tin chi tiết về sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;
7. Tài liệu tham khảo, tài liệu khoa học chứng minh cho thông tin quảng cáo;
8. Hồ sơ về logo, nhãn hiệu của doanh nghiệp đã đăng ký;
Sau khi có được giấy xác nhận quảng cáo cùng với bản công bố thì doanh nghiệp có thể tự do bán sản phẩm ra thị trường.
Hiện nay, lợi dụng lòng tin của khách hàng, người tiêu dùng rất nhiều Công ty, doanh nghiệp được lập ra kinh doanh phân phối sản phẩm Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không tuân thủ các quy định của pháp luật. Thực hiện các hành vi lừa dối khách hàng, quảng cáo sai sự thật, bán sản phẩm không có số công bố hoặc giấy công bố hết hiệu lực đã bị thu hồi sản phẩm vẫn đăng tải bán công khai trên website chính thức của công ty, các đại lý phân phối.
Doanh nghiệp, tổ chức cũng như khách hàng cần hiểu rõ, hiểu đúng các quy định của pháp luật về những vi phạm pháp luật trong kinh doanh, phân phối và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, tạo thị trường lành mạnh, cạnh tranh để phát triển. Quan trọng nhất là cần cung cấp tới người tiêu dùng những sản phẩm có hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Dưới đây là trích dẫn về các điều khoản, quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng thường hay mắc phải như sau:
Vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm;
b) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu tạo nên công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mà chưa đến mức là hàng giả theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm mà không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định;
Cung cấp thông tin, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng như thuốc
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc, trừ trang thiết bị y tế;
Quảng cáo thực phẩm chức năng không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đúng quy định dòng chữ và không đọc hoặc đọc không rõ ràng nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;
b) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tác dụng chính và phụ đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
c) Quảng cáo trên các thiết bị điện tử tại nơi công cộng; phát tán hoặc thuyết trình tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu thực phẩm không đúng với hồ sơ công bố hợp quy hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, được sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;
b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;
c) Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng;
b) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;
b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;
c) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Trường hợp không xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng bán sản phẩm công khai trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định trong trường hợp quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định.
Các từ ngữ không được sử dụng hoặc nếu sử dụng phải có tài liệu chứng minh trong quảng cáo thực phẩm chức năng
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định;
Để công bố thực phẩm chức năng, xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng và bán sản phẩm thực phẩm chức năng đúng các quy định của pháp luật, doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật hiện hành về công bố và quảng cáo. Căn cứ trên các quy định của pháp luật hiện hành, người tiêu dùng cần trở thành những người tiêu dùng thông thái, những khách hàng thông minh lựa chọn đúng sản phẩm có đầy đủ hồ sơ công bố, cũng như tránh những sản phẩm được thổi phổng, phù phép sản phẩm như thuốc chữa bệnh để lừa dối người bệnh.