Giá gạo cao sẽ hỗ trợ, bù đắp cho số lượng gạo xuất khẩu bị giảm sút

TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho rằng, định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo đề ra trong Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là hoàn toàn đúng đắn, góp phần không nhỏ vào những thành công của ngành lúa gạo nói chung và hoạt động xuất khẩu gạo nói riêng trong những năm qua.

Trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, đây chính là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo sang chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu dựa trên ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến và các giống lúa năng suất, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhập khẩu và nhu cầu người tiêu dùng ở các nước phát triển.

Trong năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở top đầu, cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Giá gạo cao sẽ hỗ trợ, bù đắp cho số lượng gạo xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và dự báo điều này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2022.

Theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo 80 nghìn tấn/năm, gồm 30 nghìn tấn gạo xát, 20 nghìn tấn gạo chưa xát và 30 nghìn tấn gạo thơm..., nếu làm tốt có khả năng EU sẽ tăng lên từ 100 đến 200 nghìn tấn/năm, vì nhu cầu nhập khẩu gạo của EU hiện lên đến 2,3 triệu tấn/năm với trị giá 1,4 tỷ Euro.

“Như vậy các doanh nghiệp sẽ không bị áp lực phải đẩy mạnh xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, phẩm cấp và giá trị thấp sang các thị trường truyền thống dễ tính như Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Indonesia…, từ đó chuyển hướng sang nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng xuất khẩu gạo.

Mặt khác, với xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao như EU, giá bán sẽ tăng cao, từ đó tạo ra bước phát triển bền vững và hiệu quả cho toàn ngành lúa gạo của Việt Nam”, bà Quỳnh Hoa nói.

Các doanh nghiệp Việt sẽ không bị áp lực phải đẩy mạnh xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, giá trị thấp sang các thị trường truyền thống dễ tính

Theo bà Quỳnh Hoa, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu lương thực được dự báo có khả năng còn tăng cao trong thời gian tới.

Trong đó, Trung Quốc đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh vì dịch COVID-19 và thời tiết bất lợi. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam, nhất là khi hai nước đang thiết lập một đường dây nóng để tạo thuận lợi cho thương mại các loại nông sản, trong đó có gạo, sau giai đoạn hoạt động giao thương giữa hai bên gần đây gặp khó khăn. Do đó, ngành lúa gạo và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu. Ðây là một trong những mục tiêu, định hướng quan trọng để giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, tăng giá lúa hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo phải theo tín hiệu thị trường

Đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm phục hồi sản xuất và phát triển xuất khẩu gạo của Việt Nam, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nhấn mạnh: Trước hết, về định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo, để nắm bắt các cơ hội và hạn chế thách thức từ việc thực thi hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc chắn trong thời gian tới.

Trong đó các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu mặt hàng gạo nói chung và các thương nhân xuất khẩu gạo nói riêng phải tự xây dựng vị thế riêng cho mình để có thể nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội này

Về vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu, trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo vận chuyển, lưu thông và tiêu thụ lúa gạo thuận lợi, việc khơi thông "luồng xanh" đường thủy được xem là nhiệm vụ quan trọng mà các Bộ, ngành cần hết sức quan tâm, coi đây như một mắt xích trọng yếu giúp duy trì chuỗi cung ứng lúa gạo.

Cánh đồng, nhà máy và cảng xuất khẩu là ba đầu mối chính trong quá trình thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo. Khâu vận chuyển đưa lúa từ cách đồng về nhà máy phải đi qua nhiều tỉnh khác nhau. Với đặc thù kênh rạch chằng chịt, phần lớn các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo cập bờ sông, bờ kênh nên 95% thóc, gạo sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển bằng đường thủy.

Vì vậy, "luồng xanh" đường thủy cần được khơi thông không chỉ trong nội bộ tỉnh mà phải được mở ra nhiều tỉnh thành trong vùng, đồng thời đẩy mạnh lưu thông gạo từ nhà máy đến cảng xuất khẩu thông qua các tuyến đường thủy chính mà các xà lan chở gạo thường đi từ ĐBSCL đến các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh hay Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng hình thức xúc tiến xuất khẩu trực tuyến trên các nền tảng số, thực hiện quảng bá nhiều hơn cho người tiêu dùng ở các nước EU về lợi ích của gạo Việt Nam, cung cấp cho khách hàng những thông tin toàn diện về hương vị của sản phẩm gạo từ Việt Nam.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cần chuẩn bị cho những bước tiến dài, chắc chắn để nắm bắt cơ hội từ EVFTA

“Để phát triển xuất khẩu gạo bền vững, việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cần phải theo tín hiệu thị trường, từ đó định hướng quy hoạch và tổ chức lại sản xuất đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Chú trọng việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu nhằm ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân”, bà Quỳnh Hoa nhấn mạnh.

Ngoài ra, bàn về chính sách tài chính, ưu đãi tín dụng, bà Quỳnh Hoa cho rằng để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong bối cảnh dịch COVID-19, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần bảo đảm vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo bằng nhiều hình thức.

Đó là mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo; giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ và cho vay theo hình thức tín chấp hoặc tăng thêm hạn mức, bổ sung nguồn vốn lưu động với lãi suất hỗ trợ để các doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, các Ngân hàng thương mại cần có sự hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua. Ngân hàng thương mại có thể xem xét gia hạn các khoản nợ đến hạn từ 2 - 3 tháng đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay đối với nguồn vốn phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đặc biệt là các khế ước giải ngân trong thời gian giãn cách xã hội.

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan cần có cơ chế triển khai phối hợp một cách rõ ràng hơn để tháo gỡ ―nút thắt tín dụng cho các doanh nghiệp lúa gạo nói riêng, cũng như ngành nông nghiệp nói chung, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản đang ứ đọng do dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp rất cần được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn để hỗ trợ giải quyết đầu ra cho bà con nông dân.

Cùng đó, đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương tiếp tục dự báo xu hướng biến đổi khí hậu, đánh giá tình hình hạn mặn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng để cân đối lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa hợp lý với phương châm ứng dụng linh hoạt, tùy theo điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sản xuất lúa và nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và chuẩn bị sẵn nguồn cung bền vững đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh xuất khẩu.