Đến 14/12, hiện tổng số xe hàng xuất khẩu tồn trên địa bàn Lạng Sơn tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma là hơn 4.300 xe, tăng 1.000 xe so với cách đây một tuần. Hàng chủ yếu là nông sản gồm: dưa hấu, chuối xanh, mít, xoài chở từ miền Trung và miền Nam ra.

Trong khi đó, trả lời báo chí lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, năng lực thông quan xuất khẩu vẫn đáp ứng nhưng lượng xe hàng xuất sang rất chậm, chỉ 300 xe/ngày, bằng 40% mức bình thường khi chưa có dịch vì phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình 500 xe một ngày. Riêng mỗi xe hoa quả đang ùn tắc ở Tân Thanh như thanh long, mít mất 10-14 ngày mới được thông quan.
Tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma trung bình 500 xe một ngày. Riêng mỗi xe hoa quả đang ùn tắc ở Tân Thanh như thanh long, mít mất 10-14 ngày mới được thông quan.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng việc các cửa khẩu bị ùn ứ thời gian gần đây là do chúng ta đang bị động. Qua chuyến đi kiểm tra tại Móng Cái, phía Quảng Ninh rất muốn xây dựng một trung tâm logistics để doanh nghiệp tránh bị động, áp lực khi nông sản được đưa tới đây.

Để xuất khẩu nông sản một cách bền vững, Việt Nam phải đi từ vùng nguyên liệu, hệ thống hạ tầng logistics, xây dựng thương hiệu nông sản... chuẩn hóa mọi quy trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.

Đầu tháng 12 vừa qua, Sở Công thương Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cần cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý đưa hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu ở thời điểm hiện tại.

UBND Lạng Sơn cùng các lực lượng tại cửa khẩu cũng đã điện đàm đề nghị nước bạn tạo điều kiện thuận lợi, phê chuẩn mới cho một số cửa khẩu được hoạt động trở lại, tăng cường thời gian thông quan tại một số cửa khẩu chính.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên thực hiện các gói hợp đồng thương mại, xuất khẩu hoa quả theo loại hình chính ngạch thay cho việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch để tránh những rủi ro.

Được biết, trong chương trình phục hồi đầu tư công sau đại dịch của Chính phủ, bộ cũng sẽ dành một kinh phí đầu tư cho các chuỗi logistics trong nội địa dành riêng cho lĩnh vực nông sản. Những trung tâm phân loại bảo quản, kho lạnh sẽ được đầu tư ở những vùng nguyên liệu cho ra tới biên giới, nhất là cửa khẩu ở phía Bắc.

Ngày 14/12, ông Lương Quang Sở - trưởng Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái - cho biết đến thời điểm hiện tại, ở các bãi chứa trên địa bàn vẫn còn hơn 1.000 container bị ùn ứ do lực lượng kiểm soát hải quan về công tác phòng chống dịch của phía Trung Quốc hiện nay rất mỏng, không đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa.

Theo đó, phía Trung Quốc đang tập trung lực lượng, chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên số cán bộ còn lại không đáp ứng được so với số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.

Số container bị ùn ứ, bao gồm nhiều loại như xe sang phía Trung Quốc để nhận hàng, xe chở nông sản, thủy sản và hoa quả Việt Nam xuất khẩu, xe chở hoa quả quá cảnh và cuối cùng là hàng nông sản bột sắn, hạt điều, cà phê,...

Đáng chú ý, trong số này có hơn 400 container hàng nông sản là hoa quả của Việt Nam xuất sang Trung Quốc và quá cảnh sang Thái Lan, trên 700 container hàng thủy sản cấp đông.

Hiện xe hàng từ các tỉnh thành phía Nam và một số từ các địa phương lân cận như Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai… tiếp tục đổ về TP Móng Cái khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.

Các đồn biên phòng và lực lượng chức năng tại các cửa khẩu cũng đã tăng cường quân số, thường xuyên giám sát, tổ chức phân luồng phương tiện, quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe đường dài đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và có biện pháp hỗ trợ sinh hoạt cho các lái xe, chủ hàng.