Theo dữ liệu của Bloomberg, phiên giao dịch sáng nay ngày 25/8 theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI tăng 0,69 USD/thùng, tương ứng 0,73 lên mức 95,62 USD/thùng; dầu Brent tăng 0,75 USD/thùng tương ứng 0,74% lên mức 101,97 USD/thùng. Như vậy, giá dầu duy trì đà tăng phiên hôm qua. Các diễn biến mới xung quanh thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, trở thành chất xúc tác để giá dầu liên tục tăng trong tuần này.

Báo cáo mới nhất của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết, tồn kho dầu tại Mỹ giảm mạnh 5,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19.8. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 7, cho thấy nhu cầu đi lại và tiêu thụ nhiên liệu của người dân Mỹ đã cải thiện đáng kể, nhất là khi giá xăng tại Mỹ giảm mạnh trong tháng 8.

Thị trường xăng dầu trong nước cũng chịu tác động mạnh mẽ bởi thị trường xăng dầu thế giới. Hiện tại, giá bán các loại xăng dầu trong nước áp dụng theo mức giá điều chỉnh từ 15h ngày 22/8 vừa qua. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 ở mức 23.720 đồng và xăng RON 95 cũng giữ nguyên ở mức 24.660 đồng. Còn giá các mặt hàng dầu thì đồng loạt tăng. Dầu diesel là 23.750 đồng một lít, tăng 850 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.050 đồng, tăng 730 đồng, dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.

Giá xăng dự báo tăng mạnh hơn 2.000 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh ngày 1/9?
Giá xăng dầu rất có thể sẽ tăng trở lại nếu nhà điều hành không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, nhất là giá dầu có thể tăng rất mạnh trong kỳ điều chỉnh 1/9 tới. Ảnh minh hoạ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho hay, giá cơ sở trong kỳ điều chỉnh kỳ tới (ngày 1/9) dự báo biến động mạnh. Tham chiếu trên thị trường Singapore, giá xăng RON 95 đang lỗ từ 500-800 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 đang lỗ khoảng 400-700 đồng/lít; còn giá dầu đang âm rất sâu, âm từ 1.900-2.450 đồng mỗi lít.

Nhìn vào các dữ kiện trong những ngày qua, rất có thể giá xăng dầu sẽ tăng trở lại nếu nhà điều hành không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, nhất là giá dầu có thể tăng rất mạnh trong kỳ tới, vị thương nhân này nhận định.

Cũng theo vị thương nhân này, hiện nay, chiết khấu xăng RON 95, E5 và dầu DO về 0, cộng thêm các chi phí định mức, chi phí vận chuyển, doanh nghiệp đang lỗ khoảng 300 đồng mỗi lít. Theo vị này, nguồn cung của các đại lý xăng dầu cũng bị ảnh hưởng bởi thông tin 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép. Tuy nhiên, do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chậm công bố thông tin, dẫn đến việc nhiều tổng đại lý, đại lý không kịp tìm nguồn thay thế.