Giá thực phẩm ngày 30/8: Thị trường ổn định
Giá lợn hơi ngày 30/8
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đồng loạt đi ngang và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nam tiếp tục là những địa phương duy trì giá lợn hơi ở mức 65.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Ở chiều ngược lại, mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 70.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên, Thái Bình. Mức 66.000 - 67.000 đồng/kg được chứng kiến tại nhiều tỉnh thành như Nam Định, Ninh Bình và Thái Nguyên. Các tỉnh thành còn lại giữ nguyên giá ổn định là 68.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi không ghi nhận sự biến động so với ngày trước đó và dao động trong khoảng 63.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó, 70.000 đồng/kg tiếp tục là ngưỡng giao dịch cao nhất được ghi nhận tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại Đắk Lắk thương lái đang thu mua lợn hơi với giá 63.000 đồng/kg, còn tại Lâm Đồng và Quảng Bình tiếp tục duy trì mức giá 64.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại vẫn giao dịch ổn định trong khoảng 66.000 - 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi không ghi nhận biến động mới và dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giá cao nhất trong khu vực là 70.000 đồng/kg, được ghi nhận tại hai tỉnh Tây Ninh và Cà Mau. Thấp hơn hai giá, hiện tại An Giang, thương lái đang thu mua lợn hơi với giá 68.000 đồng/kg. Trong khi đó, thương lái tại Hậu Giang đang giao dịch lợn hơi với giá thấp nhất là 62.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại vẫn thu mua lợn hơi ổn định so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 63.000 – 67.000 đồng/kg.
Ngày 30/8, giá lợn hơi đi ngang tại các tỉnh thành trên cả nước. Ảnh minh hoạ. |
Sau khi tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi, nhiều đàn lợn của các hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có biểu hiện bất thường và chết hàng loạt. Trước đó, ở một số địa phương như: Bình Định, Phú Yên cũng đã xảy ra hiện tượng lợn tiêm vắc xin do Công ty CP Thuốc Thú Y Trung Ương Navetco sản xuất bị chết.
Tại Đồng Nai, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả hoạt động thanh tra trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh đợt cuối năm 2021, có 9 cơ sở vi phạm về kinh doanh thức ăn chăn nuôi kém chất lượng và vi phạm về kinh doanh thức ăn chăn nuôi giả về chất lượng và các vi phạm khác với tổng số tiền phạt trên 45,5 triệu đồng.
Về kết quả phân tích kiểm tra chất lượng 50 mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, có 6/50 mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vi phạm về chất lượng, chiếm 12%. Trong đó có 3 mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vi phạm có chỉ tiêu không đạt chất lượng so với tiêu chuẩn đã công bố; 3 mẫu vi phạm giả về chất lượng có hàm lượng chất chính đạt dưới 70% so với hồ sơ công bố.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 với mục tiêu phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Mục tiêu cụ thể về cơ giới hóa nông nghiệp đối với từng lĩnh vực sản xuất: Sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030; Sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030; Cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; Đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030.
Về phát triển chế biến, bảo quản nông sản, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm vào năm 2025 và 10%/năm vào năm 2030. Trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên. Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5 - 1 %/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến....
Giá lúa gạo ngày 30/8
Giá lúa gạo hôm nay 30/8 chững lại và duy trì ổn định so với ngày hôm qua.
Cụ thể, nếp tươi An Giang 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.300 – 6.550 đồng/kg; Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; IR 504 5.400 – 5.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá lúa ổn định: OM 5451 là 6.600 đồng/kg; Đài Thơm 8 ở mức 6.800 đồng/kg; ST 24 là 8.200 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 8.000 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giữ ở mức 8.550 – 8.600 đồng/kg. Tương tự, giá tấm duy trì ở mức 8.400 đồng/kg; cám khô ổn định 8.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, hiện nay vụ lúa hè thu đã về cuối vụ, nguồn lúa giảm dần. Trên thị trường các kho chủ yếu hỏi mua gạo nguyên liệu IR 504 và OM 5451, song lượng mua ở mức thấp. Thị trường trầm lắng trước kỳ nghỉ lễ 2/9.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Giá lúa gạo ngày 30/8 chững lại và duy trì ổn định so với ngày hôm qua. Ảnh minh hoạ. |
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tiếp đà đi ngang. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.
Trong khi giá gạo Việt Nam duy trì ở mức ổn định thì giá gạo Thái Lan tiếp tục điều chỉnh tăng 1 USD/tấn lên mức 418 USD/tấn với gạo 5% tấm; 397 USD/tấn với gạo 25% tấm và 431 USD/tấn với gạo 100% tấm. Với mức giá này, hiện gạo Việt Nam đang thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan từ 19 – 48 USD/tấn.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, lúa Hè Thu đã thu hoạch hơn 2/3 diện tích, giá lúa đang xuống thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.
Lý giải về nguyên nhân giá lúa gạo Việt Nam ở mức thấp, ông Nguyễn Văn Đôn cho rằng, do chất lượng lúa Hè Thu kém. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu gạo như Philippines, Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch, chính phủ các nước này không cấp quota nhập khẩu gạo cho thương nhân dẫn đến thị trường trầm lắng. Ngoài ra, việc room tín dụng bị siết khiến doanh nghiệp không có tiền thu mua lúa gạo.
Dự báo, đến giữa tháng 10, khi đó các nước đã thu hoạch lúa xong, chính phủ sẽ cấp quota trở lại và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch lúa thu đông, chất lượng gạo tốt cộng với nhu cầu thị trường sẽ làm cho giá lúa tốt lên.