Tại TP HCM, theo thống kê, từ đầu năm đến nay tại 20 tỉnh thành phía Nam ghi nhận 39.317 ca mắc SXH nhập viện điều trị, tăng 82% so cùng kỳ; trong đó có 36 ca tử vong; 1.193 trường hợp bệnh nặng.

Riêng trong 4 tuần gần đây, số ca mắc và tử vong tăng nhanh, trong đó số mắc chiếm 50% trên tổng ca bệnh tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% trên tổng số tử vong vì SXH tích lũy từ đầu năm.

Hiện các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị SXH như các bệnh viện nhi đồng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và bệnh viện tuyến quận huyện trên địa bàn TP HCM mỗi đơn vị trung bình trong ngày đang tiếp nhận hàng chục ca mới mắc đến khám và điều trị. Các bác sĩ cảnh báo năm nay, số lượng bệnh nhân SXH nặng đang tăng cao hơn so với năm trước. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp bị biến chứng, tử vong.

Để phòng chống dịch Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh khu vực phía Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát SXH, tăng cường giải pháp diệt bọ gậy loăng quăng để ngăn chặn nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng.

Bên cạnh đó, Cục Y tế Dự phòng cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp cần chủ động chung tay phòng chống dịch, có hình thức xử lý phù hợp đối với những điểm gây phát sinh dịch bệnh.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ảnh: TTXVN
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ với báo Người Lao Động, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức nhiễm Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) cho biết tại bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 7 tuổi, ngụ Đồng Nai bị sốt xuất huyết nguy kịch do tiêm thuốc.

Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết bệnh nhi sốt ngày 1 nên gia đình có liên hệ bác sĩ quen gần nhà đến khám. Bác sĩ chẩn đoán nghi sốt xuất huyết và tiêm 2 mũi thuốc vào mông. Tuy nhiên, ngày thứ 3 của bệnh, bé mệt hơn, nôn ói nhiều, đau bụng, li bì, lạnh và tím tay chân. Lo lắng gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng sốc nặng, mạch và huyết áp không đo được. Tại bệnh viện, bệnh nhi đã được hồi sức hô hấp tuần hoàn tích cực, nay đã tạm thời qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Việt cảnh báo, sốt xuất huyết rất dễ chảy máu vì giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu ở giai đoạn nặng (ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh). Nếu chích vào cơ (chích bắp) có thể làm rách các mao mạch và gây chảy máu không cầm được. "Trong quá khứ đã có các trường hợp trẻ bị ban và họ cắt lễ. Từ những chỗ cắt lễ sẽ chảy máu rất nhiều khi vào giai đoạn nặng. Sau này cắt lễ đã giảm nhiều. Trước đây, chúng tôi đã từng phải truyền bù máu cho các trường hợp này" – bác sĩ Việt nhấn mạnh.

Bác sĩ Việt cũng lưu ý khi trẻ sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ sốt xuất huyết cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm hơn chứ không đợi đến tình trạng sốc nặng, mạch và huyết áp không còn đo được.

Bác sĩ Việt cũng tâm tư hiện nay, vẫn còn vài cơ sở y tế truyền dịch sớm và nhiều cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi chưa có chỉ định. Điều này dễ gây quá tải ở giai đoạn cần hồi sức sốc, phải giúp thở sớm. Bên cạnh đó, một số người chủ quan, tự chữa bệnh tại nhà vì cứ ngỡ như thời Covid-19 là bệnh tự khỏi. Trong khi lại thiếu kiến thức nhận biết dấu hiệu nặng về sốt xuất huyết để khi đến cơ sở y tế trong tình trạng quá nặng, gây khó khăn cho việc điều trị.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức nhiễm Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) thăm khám cho bệnh nhi sốt xuất huyết nặng. Ảnh: Người Lao động
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức nhiễm Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) thăm khám cho bệnh nhi sốt xuất huyết nặng. Ảnh: Người Lao Động

Một số dấu hiệu của sốt xuất huyết như bứt rứt hoặc li bì, nôn ói nhiều, đau bụng ngày càng tăng, chảy máu nhiều nơi và lâu cầm máu, tiểu ít,… "Khi có một trong những dấu hiệu trên cần đưa đến bệnh viện ngay. Chờ lạnh, tím tay chân hay tái môi thì đã muộn" – bác sĩ Việt nhấn mạnh.

Để phòng bệnh, bác sĩ Việt khuyến cáo cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi chích bằng cách xịt thuốc, thoa thuốc, phát quang cây cỏ, mặc quần dài, áo dài tay, ngủ mùng,…. "Có nhiều phụ huynh quan niệm sai lầm khi nghĩ trong nhà không có muỗi vì ở tầng cao, căn hộ cao cấp, ngủ máy lạnh… nhưng chúng ta vẫn phải đi học, đi làm, đi ra ngoài nên vẫn có nguy cơ bị muỗi đốt. Do đó, cần phải phòng bệnh ngay cả khi những sinh hoạt bên ngoài" – bác sĩ Việt lưu ý.