Cơ hội cho đầu tư năng lượng tái tạo
Công trường thi công một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: C.H

Phát thải bằng 0 và nhu cầu vốn 14 tỉ USD

Theo phân tích của Bộ Công Thương, để đáp ứng tốc độ phát triển khá nhanh của kinh tế Việt Nam trong những năm qua, mức độ tiêu thụ điện năng cũng duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh với dự báo tăng trưởng điện năng hằng năm ở mức 9%. Trong bối cảnh phần năng lượng sơ cấp của Việt Nam có phần hạn chế, thời gian qua Việt Nam phải duy trì hoạt động nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho nhu cầu hoạt động.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao mỗi năm và việc Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) đặt ra những nhiệm vụ cao hơn, khó hơn về đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đảm bảo cam kết của Chính phủ về phát thải khí nhà kính.

Tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2022, ông Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 đạt tỉ lệ công suất điện tái tạo chiếm 45% công suất toàn hệ thống. Điều này cho thấy, hướng phát triển của ngành năng lượng Việt Nam theo hướng năng lượng tái tạo.

Dự kiến, nguồn lực cần có để thực hiện chương trình phát triển nguồn điện và lưới điện khoảng 14 tỉ USD và để đáp ứng yêu cầu này cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Hoa Kỳ trong chia sẻ nguồn lực, công nghệ.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Phạm Tấn Công cho biết, trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Việt Nam theo đó dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát ký thải nhà kính.

Chính vì thế, VCCI đưa ra sáng kiến Chỉ số Xanh với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhằm thúc đẩy cải cách thể chế về môi trường cũng như các hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững hơn vì lợi ích của người dân và nền kinh tế.

Ông Phạm Tấn Công cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có nhiều hợp tác điển hình thành công trong lĩnh vực điện khí (LNG), năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần phát triển thương mại hai chiều hài hòa và thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng.

Cần chiến lược dài hạn

Song vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp băn khoăn ở thời điểm hiện nay là làm sao có thể thúc đẩy nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam dù các doanh nghiệp cam kết sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đặc biệt là ở các lĩnh vực được đánh giá có rất nhiều tiềm năng như điện gió, điện gió ngoài khơi.

Ông Ken Haig - Giám đốc chính sách năng lượng Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản đề xuất, để thúc đẩy nhà đầu tư tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần chiến lược mang tính chất dài hạn, đặc biệt về hệ thống lưu trữ năng lượng bằng Pin. Đây là cơ hội đối với Việt Nam để có được những lợi ích từ công nghệ này, xanh hoá dự án đầu tư.

Thực tế tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng, thúc đẩy công nghệ lưu trữ năng lượng bằng pin và năng lượng hydro.

Hơn nữa để phù hợp với các cam kết tại COP26, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, Việt Nam sẽ cần xem xét các xu hướng và cơ hội về năng lượng tái tạo trong phiên bản sắp tới để hoàn thiện Quy hoạch điện 8 cũng như trong một số quy hoạch khác và cơ chế thực hiện để triển khai quy hoạch điện.

Với các dự án điện gió, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đề nghị cần có quy định rõ ràng đối với các trang trại điện gió hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng và không kịp vận hành thương mại trước thời hạn đề ra do ảnh hưởng của dịch bệnh để được hưởng cơ chế giá FiT ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang triển khai dự án tiếp tục hoàn thành các dự án đó và tận dụng các nguồn lực kinh tế đã đầu tư cho thị trường năng lượng.