Hà Nội vẫn có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất

Bản tin dịch COVID-19 ngày 17/3 của Bộ Y tế cho biết cả nước có 178.112 ca mắc mới COVID-19, Hà Nội vẫn nhiều nhất; trong ngày Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 24.975 ca (trong đó đã bao gồm 5.000 ca thông báo ngày 16/3/2022) và Hải Dương đăng ký bổ sung 155.878 F0.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (25.311), Nghệ An (10.511), Lào Cai (9.574), Phú Thọ (7.867), Bắc Ninh (5.020), Lạng Sơn (4.869), Hải Dương (4.856), Thái Nguyên (4.835), Đắk Lắk (4.592), Tuyên Quang (4.389), Bình Dương (4.264), Hưng Yên (3.971), Vĩnh Phúc (3.870), Hòa Bình (3.844), Cà Mau (3.747), Sơn La (3.699), Gia Lai (3.620), Quảng Bình (3.565), Thái Bình (3.157), Bắc Giang (2.985), Yên Bái (2.977), Bình Định (2.955), Điện Biên (2.945), Quảng Ninh (2.885), Cao Bằng (2.880), Lâm Đồng (2.861), Hải Phòng (2.844), Bến Tre (2.734), Quảng Trị (2.417), TP. Hồ Chí Minh (2.369), Lai Châu (2.279), Nam Định (2.265), Ninh Bình (2.260), Hà Nam (2.160), Bình Phước (1.987), Tây Ninh (1.986), Vĩnh Long (1.952), Hà Giang (1.920), Bắc Kạn (1.639), Khánh Hòa (1.382), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.270), Phú Yên (1.196), Đà Nẵng (1.086), Đắk Nông (995), Thanh Hóa (933), Hà Tĩnh (927), Trà Vinh (873), Quảng Ngãi (820), Kon Tum (793), Bình Thuận (783), Thừa Thiên Huế (505), Quảng Nam (358), Bạc Liêu (287), Đồng Nai (250), Long An (174), Cần Thơ (133), An Giang (130), Kiên Giang (90), Đồng Tháp (75), Sóc Trăng (57), Hậu Giang (53), Ninh Thuận (40), Tiền Giang (38).

Bản tin COVID-19 sáng 18/3: Chính phủ yêu cầu nghiên cứu chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B
Số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội vẫn nhiều nhất cả nước. Ảnh: Báo Người lao động

Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 24.975 ca tại Vĩnh Phúc (trong đó đã bao gồm 5.000 ca thông báo ngày 16/3/2022 tại Vĩnh Phúc) và Sở Y tế Hải Dương đăng ký bổ sung 155.878 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-1.021), Hà Nội (-909), Sơn La (-805).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lào Cai (+4.764), Hải Phòng (+2.844), Gia Lai (+1.542).

Nghiên cứu chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Ngày 17/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành tại Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Chương trình được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Mục tiêu của chương trình là bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19: đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022.

Đặc biệt, Chính phủ yêu nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm…

Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm được phân chia làm ba loại: nhóm A, nhóm B và nhóm C.

Trong đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) gây ra. Theo đó, COVID-19 được xếp loại vào bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

Bộ Y tế tiếp tục ban hành công điện chỉ đạo thanh, kiểm tra mua, bán thuốc điều trị COVID-19...

Ngày 17/3/2022, Bộ Y tế ban hành Công điện số 365/CĐ-BYT về việc tiếp tục thanh tra, kiểm tra, tăng cường quản lý về thuốc điều trị COVID-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố. Đây là lần thứ 3 trong tháng 3/2022, Bộ Y tế đã có văn bản về vấn đề này gửi các địa phương.

Trong công điện do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành cho biết, để đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc cho nhu cầu điều trị COVID-19; đảm bảo chất lượng thuốc với giá thành hợp lý và tuân thủ quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo quyết liệt các nội dung sau. Cụ thể:

Tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế về mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19; lấy mẫu kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh dược theo nội dung tại Công văn số 976/BYT-QLD ngày 01/3/2022 của Bộ Y tế.

Bản tin COVID-19 sáng 18/3: Chính phủ yêu cầu nghiên cứu chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Bộ Y tế 'nhắc' các địa phương quyết liệt thanh, kiểm tra mua, bán thuốc điều trị COVID-19. Ảnh: VTV.vn

Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố như Ban chỉ đạo 389, Quản lý thị trường, Công an tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khác tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị COVID-19, các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 tại các địa điểm kinh doanh không được cấp phép theo quy định hoặc trên các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, các hoạt động mua, bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong mua, bán thuốc nói chung và thuốc điều trị COVID-19 nói chung; niêm yết giá và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt thuốc trong kinh doanh dược (GSP, GDP, GPP) và các quy định khác trong kinh doanh dược

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Công điện này; tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm các tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.