Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2022 cả nước xuất khẩu 726.308 tấn gạo, tương đương 354,42 triệu USD, giá trung bình 488 USD/tấn, tăng trên 2% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 5/2022 nhưng giá giảm nhẹ 0,1%; so với tháng 6/2021 thì tăng mạnh 66,6% về lượng, tăng 46,8% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với tháng 5/2021.

Xuất khẩu trên 3,49 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2022
Ảnh minh họa

Trong tháng 6/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines chỉ tăng nhẹ 0,2% về lượng, tăng 1,4% kim ngạch và tăng 1,2% về giá so với tháng 5/2022, đạt 355.651 tấn, tương đương 170,05 triệu USD, giá 478 USD/tấn; nhưng so với tháng 6/2021 thì tăng mạnh 135,9% về lượng, tăng 115,8% kim ngạch.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 6/2022 tiếp tục giảm mạnh 45,3% về lượng và giảm 48% kim ngạch so với tháng 5/2022, đạt 50.111 tấn, tương đương 24,94 triệu USD; so với tháng 6/2021 cũng giảm 48,9% về lượng, giảm 55,2% kim ngạch.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu trên 3,49 triệu tấn gạo, tương đương trên gần 1,71 tỷ USD, giá trung bình đạt 488,7 USD/tấn, tăng 15,4% về khối lượng, tăng 3,6 % về kim ngạch nhưng giảm 10,2% về giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 6 tháng qua, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 46,5% trong tổng lượng và chiếm 44,5% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 1,62 triệu tấn, tương đương 759,1 triệu USD, giá trung bình 467 USD/tấn, tăng 48,7% về lượng, tăng 30,9% về kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm trên 12,6% trong tổng lượng và chiếm 13,4% trong tổng kim ngạch, đạt 438.068 tấn, tương đương 228,2 triệu USD, giá trung bình 520,3 USD/tấn, giảm 24,5% về lượng và giảm 26% kim ngạch; giá giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng thứ 3 vẫn tiếp tục là thị trường Bờ Biển Ngà chiếm 9,2% trong tổng lượng và chiếm 8,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 322.730 tấn, tương đương 142,07 triệu USD, giá 440,2 USD/tấn, tăng mạnh 57,8% về lượng và tăng 36,4% kim ngạch nhưng giảm 13,6% về giá so với cùng kỳ.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 2,37 triệu tấn, tương đương 1,14 tỷ USD, tăng 22,6% về lượng, tăng 10,4% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 272.520 tấn, tương đương 134,13 triệu USD, tăng 14,1% về lượng, tăng 1,6% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm 2022 vẫn tốt khi nhiều quốc gia vẫn tăng dự trữ trước lo ngại của xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam tiếp tục khẳng định là quốc gia xuất khẩu gạo lớn cùng với Thái Lan, Ấn Độ và có uy tín trên thị trường quốc tế.

Nhận định thị trường cuối năm tích cực, nhưng ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược và sự điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.

Xuất khẩu gạo sang các thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022

(Tính toán từ số liệu công bố ngày 11/7/2022 của TCHQ)

Xuất khẩu trên 3,49 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2022