Vinafreight là gì? Công ty Vinafreight kinh doanh lĩnh vực gì?
Công ty CP Vinafreight đứng vị trí 160 trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022.

Vinafreight là gì?

Vinafreight là cách gọi tắt để chỉ Công ty CP Vinafreight (HNX: VNF, tên giao dịch Tiếng Anh: Vinafreight Joint Stock Company).

Công ty CP Vinafreight là đơn vị chuyên về vận tải hàng không thuộc công ty Giao nhận kho vận ngoại thương TP. Hồ Chí Minh (Vinatrans), chuyên thực hiện các dịch vụ về vận chuyển hàng không, dịch vụ hậu cần và đại lý tàu biển. Năm 2001, xí nghiệp dịch vụ kho vận được cổ phần hóa và chuyển thành Công ty Cồ phần Vận tải Ngoại thương, tên giao dịch là Vinafreight với số vốn điều lệ ban đầu 18 tỷ đồng chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải nội địa quốc tế, kinh doanh kho bãi, cho thuê văn phòng, xuất nhập khẩu…

Ngày 22/11/2010 là ngày giao dịch chính thức của cổ phiếu VNF của Công ty CP Vận tải Ngoại thương trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Vinafreight được thành lập năm 1997, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ gồm: dịch vụ hàng không, dịch vụ đường biển, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ cho thuê kho bãi. Mạng lưới hoạt động của công ty rộng khắp các vùng trong nước, có các cơ sở tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.

Vinafreight đang là thành viên các hiệp hội: FIATA (Hiệp hội giao nhận quốc tế); IATA (Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế); VLA (Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam).

Lãnh đạo Công ty CP Vinafreight là ai?

Công ty CP Vinafreight có trụ sở chính tại lầu 1, Block C, Tòa nhà văn phòng WASECO, số 10 đường Phổ Quang - Phường 2 - Quận Tân Bình - TP. Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu Chủ tich HĐQT của Công ty CP Vinafreight là doanh nhân Nguyễn Bích Lân, ông Lân quê gốc Hà Tĩnh, có trình độ cử nhân ngoại ngữ. Có thể nói ông Lân là người gây dựng Vinafreight ngay từ đâu.

Từ năm 1988 đến năm 2001 ông Lân công tác tại Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương TP.HCM; Từ năm 200 đến ngày 01/08/ 2020 ông Lân làm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinafreight; Ngoài ra từ năm 2001 đến ngày 29/08/2013 ông Lân là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vận tải Ngoại thương.

Mốc lịch sử hình thành Công ty CP Vinafreight

- Đầu thập niên 90: Vinafreight là đơn vị chuyên về vận tải hàng không được thành lập.

- Năm 2001: Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 0964/2001/QĐ/BTM phê duyệt phương án CPH chuyển xí nghiệp dịch vụ kho vận thành CTCP Vận Tải Ngoại thương, với VĐL ban đầu là 18 tỷ đồng.

- Năm 2002: Công ty chính thức trở thành thành viên của VIFFAS.

- Năm 2005: Công ty tăng vốn điều lệ lên 27 tỷ.

- Năm 2007: Công ty tăng vốn điều lệ lên 56 tỷ đồng.

- Năm 2010: Cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch trên HNX.

- Ngày 19/05/2014: CTCP Vận Tải Ngoại Thương chính thức đổi tên thành CTCP Vinafreight theo GCNĐKD thay đổi lần thứ 7 ngày 19/05/2014 của Sở KH&ĐT TPHCM.

- Ngày 14/05/2021: Công ty tăng vốn điều lệ lên 251.45 tỷ đồng.

- Ngày 24/12/2021: Tăng vốn điều lệ lên 264 tỷ đồng.

Công ty Vinafreight kinh doanh ra sao?

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VNF đã thông qua tất cả các tờ trình với các nội dung quan trọng liên quan đến kết quả kinh doanh năm 2022 và kế hoạch cho năm 2023.

Năm 2023, VNF đặt mục tiêu đạt 955 tỷ đồng doanh thu, giảm 55% so với thực hiện năm 2022, nhưng Công ty vẫn kỳ vọng lợi nhuận tăng 31%, đạt hơn 52 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức ở mức 7%.

Vinafreight là gì? Công ty Vinafreight kinh doanh lĩnh vực gì?
ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VNF được tổ chức vào sáng ngày 20/04/2023.

VNF cho biết kế hoạch kinh doanh 2023 được đặt ra trong bối cảnh Công ty dự báo thị trường chung sẽ gặp nhiều khó khăn như: Suy thoái kinh tế sau đại dịch toàn cầu, những biến động trong kinh doanh từ phía các khách hàng chủ chốt ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty, tầm hoạt động và ảnh hưởng ngày càng lớn của các doanh nghiệp logistics nước ngoài sẽ thu nhỏ lại thị phần của các doanh nghiệp trong nước.

Qua đó, để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023, VNF đề ra các biện pháp như: Củng cố hoạt động kinh doanh GSA (tổng đại lý khai thác hàng hóa) của Công ty Vector trong điều kiện có nhiều biến động trên thị trường GSA, duy trì và tăng trưởng sản lượng, tiếp cận những hãng hàng không tốt để mở rộng khả năng làm GSA, giữ vững và phát triển quan hệ đại lý hàng hóa đối với các hãng hàng không; duy trì cơ cấu Công ty Vietway ở mức phù hợp, tích cực tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới; đầu tư vào CTCP Cảng Mipec tại Hải Phòng, CTCP Logistic Thăng Long và CTCP Logistics Vĩnh Lộc...

Kết thúc năm 2022, VNF đạt gần 2,102 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 21 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 57% và 73% so với năm trước. Nguyên nhân do tình hình vận tải quốc tế năm 2022 không thuận lợi, đồng thời giá cước vận chuyển giảm nhiều nên doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với năm 2021. Tuy nhiên so với kế hoạch kinh doanh 2022, Công ty đều vượt các chỉ tiêu đề ra.

Với kết quả này, Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 7%, tương đương số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Tại Đại hội, cổ đông VNF cũng đã thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu năm 2021.

Trước đó ngày 24/03/2021, Công ty đã hoàn tất phát hành gần 16.8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu. Tổng số tiền huy động gần 168 tỷ đồng, trong đó số tiền huy động cho dự án gần 103 tỷ đồng và bổ sung vốn lưu động gần 65 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, VNF đã góp vốn đầu tư gần 6.5 tỷ đồng vào CTCP Dịch vụ Logistics Thăng Long (giai đoạn 2), gần 44 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Cảng Mipec, 12 tỷ đồng góp vốn đầu tư CTCP Logistics Vĩnh Lộc, còn lại 40.6 tỷ đồng chưa sử dụng.

Công ty cho biết, hiện nay do tình hình khách quan chưa thuận lợi khiến việc đầu tư vào CTCP Logistics Vĩnh Lộc bị chậm so với kế hoạch. Vì thế VNF trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đồng ý thông qua việc chuyển đổi số tiền còn lại chưa đầu tư vào dự án này là 40.6 tỷ đồng sang bổ sung vào vốn lưu động. Như vậy, số tiền được dùng để bổ sung vốn lưu động sẽ tăng từ gần 65 tỷ đồng lên gần 106 tỷ đồng.