Việt Nam xuất siêu gần 100 triệu USD trong nửa đầu tháng 3
Việt Nam xuất siêu gần 100 triệu USD trong nửa đầu tháng 3

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 3 (1-15/3), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 15,32 tỷ USD, tăng mạnh gần 76% so với cùng kỳ tháng trước; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 15,23 tỷ USD, tăng tương ứng 20,3%.

Nửa đầu tháng 3, cán cân thương mại ghi nhận con số xuất siêu gần 100 triệu USD.

15 ngày đầu tháng 3, kim ngạch xuất nhập khẩu trưởng mạnh so với nửa đầu tháng 2/2022 do kỳ 1 tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại; máy vi tính; máy móc, thiết bị; dệt may đều có dấu hiệu phục hồi với kim ngạch tăng trưởng cao so với cùng kỳ tháng 2/2022.

Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 69,78 tỷ USD; cán cân thương mại cả nước nhập siêu gần 500 triệu USD.

FTA - Xung lực thúc đẩy xuất khẩu

Năm 2021, hàng hóa Việt Nam tiếp tục ghi dấu trên bản đồ thế giới khi xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, xuất siêu 4 tỷ USD bất chấp khó khăn của đại dịch. Một trong những yếu tố đóng góp vào thành tích ấn tượng này chính là chất xúc tác từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những FTA thế hệ mới.

Việt Nam là một trong số ít các nước chỉ sau 15 năm gia nhập WTO đã đàm phán, ký kết được 15 FTA, giúp mở rộng thị trường để hàng hóa xuất khẩu để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA đi vào thực thi đã hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu.

Trong đó, Hiệp định CPTPP đã qua chặng đường 3 năm đầu thực thi. Năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 91,4 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản, máy móc - thiết bị, điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản… sang 10 quốc gia thành viên CPTPP với giá trị 46 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 45,4 tỷ USD.

Việt Nam xuất siêu gần 100 triệu USD trong nửa đầu tháng 3
Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA đi vào thực thi đã hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu

Xuất khẩu sang EU cũng tăng trưởng ấn tượng nhờ EVFTA đã có hiệu lực từ tháng 8/2020. Năm 2021, xuất khẩu sang EU năm 2021 đạt 40,07 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi FTA Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Còn ngay trong năm đầu thực thi Hiệp định UKVFTA, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đạt hơn 5,7 tỷ USD, xuất siêu 4,8 tỷ USD, với nhiều nhóm hàng như rau quả, hạt tiêu, sắt thép, phương tiện vận tải…Xuất siêu sang thị trường Anh ghi nhận 4,8 tỷ USD.

Từ đầu năm nay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với mức độ cam kết hài hòa hơn, đây đều là những quốc gia đã tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và có sự tương đồng trong cơ cấu xuất khẩu với Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như: EVFTA, CPTPP, RCEP…

Riêng với hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu, Bộ Công Thương cho biết bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng về việc tạo thuận lợi để thông quan hàng hóa, cơ quan này cũng khuyến cáo các thương lái, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn” nhằm giữ bằng được các cửa khẩu đã được mở cửa trở lại. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng tiêu chí cho hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch để đảm bảo hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch bền vững.

Đặc biệt, mới đây, trong khuôn khổ Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ (SwissTrade) tài trợ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) tổ chức Hội thảo “Tham vấn lấy ý kiến về ngành và lĩnh vực ưu tiên trong xây dựng Chiến lược xuất khẩu quốc gia” theo hình thức trực tuyến. Hội thảo đã thu thập ý kiến các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân về lựa chọn ngành và lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược xuất khẩu giai đoạn sắp tới.