Theo đó, từ ngày 24/4 đến hết 31/12/2023, ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.

Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành điều khoản này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM (trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết) mà tổ chức tín dụng đã bán hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi: Đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.

Ngoài ra, bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu; doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết việc ban hành Thông tư số 03 nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24/4.

Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng được mua lại trái phiếu chưa niêm yết. Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng được mua lại trái phiếu chưa niêm yết. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, quy định trên giúp hỗ trợ một phần thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Tổ chức tín dụng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm phần nào áp lực trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.

Các ngân hàng đang là trái chủ lớn nhất, ước tính chiếm khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết đã khuyến nghị các tổ chức phát hành chủ động sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp và công bố thông tin cho nhà đầu tư yên tâm tiếp tục đầu tư đối với các trái phiếu có tình hình tốt.

Bộ Tài chính cũng đã làm việc với gần 40 doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn đáo hạn trong năm 2022 và năm 2023 để đề nghị các doanh nghiệp thu xếp nguồn vốn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn, đảm bảo giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.