Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Lần thí điểm này, về quản lý đầu tư, Thành phố được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Nghị quyết cho phép HĐND Thành phố quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Đối với vùng phụ cận các nhà ga, các nút giao thông nói trên, UBND Thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu nhưng phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được xác định trong nội dung đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung Thành phố.

Nghị quyết cũng nêu rõ,việc thu hồi đất đối với các dự án trên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố; vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi của dự án trong vùng phụ cận đã được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị, đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Quốc hội cho phép Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM từ 1-8
Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM từ 1/8. Ảnh minh họa

TP HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu, với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.

Đáng lưu ý, nghị quyết cho phép UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ 2% - 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán.

Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

TP HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại, với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về tài chính, nghị quyết quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC).

Bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ.

TP HCM được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...

Cùng với đó, cho phép sử dụng mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở…

Nghị quyết cũng quy định về các ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...

PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định.

Bên cạnh đó, nghị quyết cho phép TP HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Việc này thực hiện trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.

Nghị quyết cũng quy định UBND huyện thuộc thành phố có không quá 3 phó chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND phường, xã, thị trấn có không quá 3 phó chủ tịch.

Quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.

Cạnh đó, nghị quyết quy định về bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức... Các chính sách về xây dựng nhà ở xã hội cũng được quy định trong nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.