Dự án Legacy Hill Hòa Bình

Năm 2009, UBND tỉnh Hoà Bình đã tiến hành thu hồi đất đợt 1 với tổng số hơn 545.000 m2 đất tại các xã: Tân Vinh, Nhuận Trạch, Cư Yên thuộc huyện Lương Sơn do Công ty Sản xuất, chế biến, dịch vụ Cửu Long và các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng để giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu (sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Hasky) thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long (dự án Legacy Hill Hòa Bình).

Tuy nhiên, sau gần chục năm không đưa đất vào sử dụng, năm 2017, Thanh tra Chính phủ vào cuộc phát hiện và kiến nghị giao Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình tổ chức thực hiện thu hồi dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long do chậm tiến độ nhiều năm, chưa thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, không có khả năng thực hiện dự án.

Trên cơ sở kết luận Thanh tra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý với kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính Phủ. Tuy nhiên, tháng 3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình (lúc đó là ông Nguyễn Văn Quang) bất ngờ xin Thủ tướng giữ lại dự án cho Công ty Cổ phần Hasky tiếp tục thực hiện.

Nguyên nhân xin giữ lại dự án được chính quyền tỉnh Hòa Bình cho rằng, Công ty Cổ phần Hasky chuyển quyền sử dụng đất, giá trị tài chính đã đầu tư vào dự án cho nhà đầu tư khác là rất khó khăn, phức tạp. Chủ đầu tư không tìm được nhà đầu tư khác để tiếp tục thực hiện dự án.

Đồng thời, tỉnh Hòa Bình cam kết, sau 24 tháng, chủ đầu tư không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai thì sẽ quyết định chấm dứt đầu tư, quyết định thu hồi đất với dự án.

Phối cảnh dự án Legacy Hill.
Phối cảnh dự án Legacy Hill.

Tuy nhiên, ngày 7/10/2019, UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận nhà đầu tư cho một doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tháng 6/2019 là Công ty TNHH Một thành viên bất động sản Hasky Hòa Bình thực hiện đầu tư dự án hạ tầng khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long (dự án Legacy Hill Hòa Bình).

Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hoà Bình được thành lập với số vốn điều lệ là 120 tỷ đồng. Trong đó, chủ sở hữu công ty này đã cử ra 3 người đại diện vốn gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Hương (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) góp 24 tỷ đồng; ông Phạm Quốc Khánh (Hoàng Mai, Hà Nội) góp 24 tỷ đồng và 72 tỷ đồng còn lại do ông Trần Mạnh Cường (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) góp vốn.

Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tháng 11/2019, Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hoà Bình vẫn có số vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ sở hữu công ty và những người góp vốn và tỷ lệ góp vốn đã có xáo trộn.

Cụ thể, chủ sở hữu doanh nghiệp lúc này là Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn An Thịnh (An Thịnh Group) có địa chỉ tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Công ty lúc này có 03 cá nhân góp vốn gồm: Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) với vốn góp là 36 tỷ đồng; ông Phạm Quốc Khánh góp 24 tỷ đồng và Nguyễn Thị Thanh Hương 60 tỷ đồng (thời điểm góp vốn là ngày 14/10/2019).

Như vậy, có thể thấy rằng, tại thời điểm có quyết định đầu tư, Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hòa Bình được UBND Hòa Bình giao thực hiện dự án gần 300 tỷ đồng khi mới thành lập được 5 tháng (tháng 6 đến tháng 10/2019). Nhưng “ông chủ” thực sự lại là An Thịnh Group.

Cũng kể từ tháng 11/2019, Công ty cổ phần Hasky đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hoà Bình cho An Thịnh Group, dự án Khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Cửu Long được giới thiệu rộng rãi với tên thương mại là Legacy Hill Hoà Bình.

Đáng nói, vào thời điểm năm 2020, mặc dù chưa có văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình cho phép đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; Văn bản thông báo đủ điều kiện được huy động vốn đầu tư xây dựng nhà ở... nhưng thời gian qua dự án vẫn được rao bán và huy động vốn rầm rộ trên nhiều sàn giao dịch bất động sản. Thậm chí, nói về tiềm năng sinh lời của dự án, nhiều đơn vị phân phối, môi giới khẳng định chắc nịch về tương lai dự án sẽ tăng giá, đảm bảo sinh lời gấp đôi, gấp ba lần so với giá trị ban đầu.

Đáng nói, theo quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình, chủ đầu tư mới chỉ được cấp phép xây dựng giai đoạn 1: Được phép xây dựng hạng mục công trình giao thông và công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường thuộc khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, vào ngày 20/3/2020.

Đến thời điểm tháng 4/2021, đại diện Sở Xây dựng Hòa Bình khẳng định với báo chí rằng, dự án Legacy Hill Hòa Bình chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Dự án mới chỉ được cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

The Spring Town Hòa Bình

Dự án The Spring Town Hòa Bình cũng từng gây bức xúc dư luận khi chưa nhận được quyết định giao đất của UBND tỉnh Hòa Bình nhưng chủ đầu tư đã tổ chức động thổ.

Cụ thể, ngày 20/10/2018, An Thịnh Group và MSH Group dù chưa nhận được quyết định giao đất của UBND tỉnh Hòa Bình nhưng đã tổ chức làm Lễ động thổ dự án Khu đô thị The Spring Town tại thị trấn Xuân Mai, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Sau đó, dự án này đã được các nhân viên môi giới quảng cáo rầm rộ là “khu đô thị hiện đại đẳng cấp nhất”, chào bán các lô đất có diện tích từ 80-595 m2.

Dự án với tổng diện tích 6,1 ha cung ứng 290 lô xây dựng 14 căn shophouse, 257 căn liền kề và 19 căn biệt thự được thiết kế hiện đại với diện tích từ 80 m2 đến 120 m2, mặt tiền rộng rãi từ 5,1 m đến 5,5 m.

Đến ngày 2/5/2019, UBND tỉnh Hòa Bình mới có văn bản chấp thuận về chủ trương cho Dự án Tân Hòa Garden (The Spring Town). Vậy, từ hơn nửa năm trước (ngày 20/10/2018) MSH Group và An Thịnh Group đã làm lễ động thổ dự án mang tên Dự án Khu nhà ở Tân Hòa Garden - The Spring Town khi chưa được thẩm định phê duyệt?

Phối cảnh dự án The Spring Town Hòa Bình.
Phối cảnh dự án The Spring Town Hòa Bình.

Đến ngày 10/6/2019, ông Nguyễn Vũ Chi – Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn ra Quyết định số 990/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư thương mại Thiên Phúc 40 triệu đồng cho hành vi vi phạm hành chính tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.

Thế nhưng ngày 25/8/2019, MSH Group tổ chức lễ giới thiệu dự án The Spring Town tại Pacific Palace đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư và cư dân quanh thị trấn. Trên nhiều website, chủ đầu tư cũng rao bán Dự án The Spring Town công khai, rầm rộ, giá 10 - 12 triệu đồng/m2 và có cơ sở hạ tầng đồng hộ…

Ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Hòa Bình mới ra Quyết định số 590/QĐ-UBND phê duyệt kết quả nhà đầu tư Dự án Khu nhà ở xã Hòa Sơn (Tân Hòa Garden) cho 2 đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Thiên Phúc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng, với giá trúng thầu là 120.305.110.000 đồng. Tức là gần 2 năm sau khi MSH Group và An Thịnh Group động thổ dự án (20/10/2018).

Dự án Hòa Bình New City

Dự án Hòa Bình New City là dự án đất nền tọa lạc trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Dự án nằm ngay khu trung tâm hành chính tỉnh Hòa Bình do Công ty CP SUDICO Hoà Bình (SUDICO Hoà Bình) làm chủ đầu tư. SUDICO Hoà Bình là công ty thành viên thuộc Tổng công ty Sông Đà - Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và khu công nghiệp Sông Đà.

Năm 2006, dự án trên được UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt mặt bằng với tổng diện tích là 247.530m2. Tuy nhiên sau 6 năm chưa được triển khai, năm 2012, UBND tỉnh Hoà Bình điều chỉnh quy hoạch mở rộng phía Đông Nam Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo thành phố Hòa Bình với tổng diện tích 254.800 m2.

Trong đó, diện tích dành cho đất ở là 73.493 m2, đất công cộng 10.982,44 m2, đất giáo dục, trường học 13.669,33 m2, đất dịch vụ thương mại 11.561,21 m2, đất cây xanh, hồ điều hòa 34.170,56 m2 đất giao thông 79.363,33 m2; đất kỹ thuật 300m2, đất khác 31.260,13 m2.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Hoà Bình điều chỉnh quy hoạch chỉ mở rộng dự án chưa đầy 01ha nhưng mật độ xây dựng chức năng các ô đất được điều chỉnh tăng hơn rất nhiều so với quy hoạch cũ. Đất nhà liền kề mật độ xây dựng được điều chỉnh tăng 30% (từ 60% lên 90%), số tầng tăng 01 tầng (từ 03 tầng lên 04 tầng), hệ số sử dụng đất tăng gấp 02 lần (từ 1,8 lên 3,6 lần).

Top 5 dự án bất động sản tai tiếng tại Hòa Bình
Một biệt thự khủng xây dựng không đúng với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt tại dự án Hòa Bình New City. Ảnh: Thương trường

Đáng chú ý, năm 2020, trên các trang mạng liên tục xuất hiện thông tin rao bán đất nhà ở liền kề, biệt thự tại dự án Hoà Bình New City với những lời giới thiệu có cánh, đầy hấp dẫn.

Tuy nhiên, dù được rao bán rầm rộ trên các mạng và sàn giao dịch bất động sản nhưng thời điểm 2020, dự án này đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, các hạng mục đường, cống thoát nước đều đang thi công dang dở.

Không chỉ có vậy, tại dự án này cũng xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng khi hàng loạt căn biệt thự “khủng” được xây dựng không phép rộng gần nghìn m2, ngang nhiên phá vỡ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt. Biệt thự này hoàn toàn khác biệt với các căn nhà khác được xây dựng trên từng lô đất theo đúng quy hoạch của dự án khiến mặt bằng tổng thể dự án trở thành khập khiễng, méo mó, gây bức xúc cho cư dân.

Dự án khu dân cư nông thôn và tái định cư tại Đồng Trám

Dự án khu dân cư nông thôn và tái định cư tại Đồng Trám nằm tại xóm Miều, xã Trung Minh, TP Hòa Bình, do Tập đoàn Geleximco – Công ty CP làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí đầu tư là 3.070 tỷ đồng. Dự kiến dự án hoàn thành trong quý I/2024. Đây là dự án đầu tư, xây dựng khu dân cư và tái định cư đồng bộ, là khu nhà ở và phục vụ bố trí tái định cư cho cư dân khi thực hiện các dự án trong khu vực.

Hồi tháng 1/2021, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra UBND tỉnh Hoà Bình trong công tác quản lý Nhà nước ngành xây dựng và một số đồ án quy hoạch xây dựng, thực hiện quản lý theo quy hoạch và một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại dự án Khu dân cư nông thôn và tái định cư Đồng Trám, Thanh tra Bộ Xây Dựng cũng phát hiện sai phạm liên quan đến đồ án quy hoạch do Tập đoàn Geleximco lập ra.

Cụ thể, tên đồ án không phù hợp nội dung quy hoạch chi tiết bao gồm các lô đất có chức năng đất công cộng, thương mại dịch vụ, đất ở (đất biệt thự, liền kề) và một số loại đất khác.

Toàn bộ diện tích ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch của đồ án này theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hoà Bình đến năm 2035 bao gồm hai loại đất: Đất đơn vị ở hiện trạng cải tạo và đất dự trữ phát triển. Nhưng đồ án quy hoạch chi tiết bao gồm các lô đất có chức năng công cộng, thương mại dịch vụ, đất ở (biệt thự và liền kề) và một số loại đất khác là không phù hợp với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hoà Bình đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Khu nhà ở Vĩnh Hà

Theo Kết luận số 105/KL-TTr ngày 24/12/2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã “điểm mặt” nhiều sai phạm tại dự án Khu nhà ở Vĩnh Hà (phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình) do Công ty cổ phần Bất động sản Vĩnh Hà Hòa Bình làm chủ đầu tư.

dự án Khu nhà ở Vĩnh Hà do Công ty cổ phần Bất động sản Vĩnh Hà Hòa Bình làm chủ đầu tư. Ngày 22/2/2011, UBND tỉnh Hòa Bình có Công văn số 210/UBND-ĐT cho phép Công ty TNHH thương mại và xây dựng Vĩnh Hà nghiên cứu lập dự án đầu tư nhà ở dân cư tự xây dựng tại phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình.

Ngày 27/3/2012, UBND tỉnh Hòa Bình có Công văn số 249/UBND-ĐT về việc đảm bảo thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở Vĩnh Hà tại phường Đồng Tiến do Công ty cổ phần Bất động sản Vĩnh Hà Hòa Bình làm chủ đầu tư; Giấy chứng nhận đầu tư số 25121000367 ngày 18/7/2012 của UBND tỉnh Hòa Bình chứng nhận công ty thực hiện dự án.

Đáng chú ý, dự án đã được tiến hành thanh tra và Thanh tra tỉnh Hòa Bình có Kết luận số 181/KL-TTr ngày 31/12/2019. Theo đó, 7/10 công trình đã và đang xây dựng không đúng quy hoạch được phê duyệt chỉ giới xây dựng – vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014; Công trình nhà văn hóa phường Đồng Tiến không đúng quy hoạch vị trí công trình – vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 10 Luật Xây dựng năm 2003.

Ngoài ra, việc UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư số 49/QĐ-UBND ngày 22/7/2019 cho phép Công ty Vĩnh Hà thực hiện dự án, nhưng không lấy ý kiến thẩm định của Sở Xây dựng về các nội dung liên quan đến nhà ở là vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 9 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

Tại Kết luận Thanh tra số 105/KL-TTr ngày 24/12/2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã nêu rõ kết quả kiểm tra, xác minh. Cụ thể, tại ô số 30 lô A4: công trình đã xây dựng xong phần thô, khoảng lùi 5m so với đường QH3, không sử dụng thiết kế mẫu được Sở Xây dựng thỏa thuận. Tầng 2, 3 mặt sau công trình theo đường QH2 đã quây ban công tầng 2, tầng 3 thành buồng phòng và vượt chỉ giới đường đỏ 0,6m, vượt chỉ giới xây dựng 1,2m.

Top 5 dự án bất động sản tai tiếng tại Hòa Bình
Dự án khu nhà ở Vĩnh Hà có nhiều sai phạm.

Tại ô số 143 lô TĐC01, xây dựng 1 công trình mái tôn vượt chỉ giới xây dựng 0,4m dọc theo đường QH05 và QH11. Ở ô đất số 158 lô TĐC02, công trình đã xây xong phần thô với 3 tầng + tum, không có khoảng lùi 0,6m và tầng 2, 3 quây ban công thành phòng vượt chỉ giới đường đỏ 1,2m.

Tại 2 ô số 151 và 152 lô TĐC02, đang xây phần thô (đổ sàn tầng 2) vượt chỉ giới xây dựng 1,2m (không có khoảng lùi) và không đúng theo Giấy phép xây dựng được UBND thành phố Hòa Bình cấp số 175, 176/GPXD ngày 8/5/2020.

Tại ô số 138 lô TĐC01, công trình đã hoàn thành 3 tầng, xây dựng vượt chỉ giới đường đỏ 0,1m và vượt chỉ giới xây dựng 0,7m dọc theo đường QH6 và QH5 (xây dựng trên toàn bộ khoảng lùi). Tầng 2, 3 quây ban công thành phòng vượt chỉ giới đường đỏ 0,6m.

Tại ô số 167 lô TĐC01, xây dựng công trình 1 tầng mái lợp tôn đã hoàn thành nhưng không có khoảng lùi dọc theo đường QH12. Tại lô 98, 99-A5, công trình được đổ móng hợp khối, khoảng lùi 4m dọc theo đường QH4 trong khi theo quy hoạch, khoảng lùi 0,6m.

Hơn thế, công trình trụ sở làm việc Đảng ủy – HĐND – UBND phường Đồng Tiến theo quy hoạch kiến trúc cảnh quan chỉ là 2 tầng, nhưng lại được xây dựng “vượt” thành 3 tầng. Cùng với đó, công trình nhà văn hóa phường đã thay đổi vị trí so với quy hoạch chi tiết, từ dọc đường QH9 sang phía đối diện, dọc theo đường QH8.

Đặc biệt, các mẫu nhà liền kề được Sở Xây dựng thỏa thuận sử dụng cho dự án chưa phù hợp về kiến trúc mặt đứng với bản vẽ thiết kế đô thị (phối cảnh), các ban công từ tầng 2 trở lên thiết kế vượt quá chỉ giới đường đỏ 0,6m là không đúng quy định, căn cứ tại Điểm 2.8.11 QCXDVN 01:2008/BXD về Quy hoạch xây dựng.