Đề xuất gần 31.000 tỷ đồng nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

UBND TP. Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị thẩm định, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tổng vốn cho việc nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 30.999 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng 3 giai đoạn, chi phí quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, dự phòng.

Nguồn vốn được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn vay…, trong đó vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng chính.

Sau khi điều chỉnh quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ là sân bay cấp 4E (theo quy định của ICAO) và sân bay quân sự cấp 1.

Sản lượng vận chuyển hành khách đạt 25 triệu hành khách/năm đến năm 2030, đạt 30 triệu hành khách/năm đến năm 2050. Sản lượng vận chuyển hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 200.000 tấn/năm với 92 vị trí sân đỗ máy bay.

Đề xuất gần 31.000 tỷ đồng nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Đề xuất gần 31.000 tỷ đồng nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Đối với sân đỗ máy bay, trong thời kỳ 2021-2030, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất mở rộng sân đỗ tàu bay về phía đông đạt 73 vị trí và giai đoạn sau 2030 sẽ xây dựng mới sân đỗ phía tây với 19 vị trí đỗ.

Về nhà ga hành khách, thời kỳ 2021-2030, UBND TP. Nẵng đề xuất mở rộng nhà ga T1 về phía đông nam sân bay; giữ nguyên nhà ga T2 hiện hữu khai thác quốc tế (2 nhà ga sẽ được kết nối với nhau bởi cầu nối dài 170m).

Thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga quốc nội T3 về phía đông nam đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, diện tích xây dựng nhà ga là 9.475m2, 2 cao trình và cải tạo nhà ga T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế.

Trong giai đoạn 2021-2022, UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị xây dựng nhà ga hàng hóa phía đông; thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa phía tây kết hợp với khu logistic hàng không.

Quảng Ngãi yêu cầu xử lý nghiêm vụ xây 'biệt phủ' trên đất lấn chiếm

Ngày 21/11, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, UBND TP Quảng Ngãi báo cáo kết quả xử lý vụ "biệt phủ" của "đại gia" xây lố trên đất lúa và đất do Nhà nước quản lý trước ngày 15/12.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cơ quan liên quan kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm ngày 9/11 của UBND TP Quảng Ngãi; cương quyết tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục tình trạng ban đầu đối với các thửa đất nông nghiệp và các thửa đất bị lấn chiếm theo đúng quy định của Luật đất đai; kiểm tra thực tế để xử lý các hành vi vi phạm về xây dựng công trình theo giấy phép xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/12.

Trường hợp cá nhân bị xử phạt không chấp hành, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu chậm trễ xử lý vi phạm.

Kiểm tra, rà soát các trường hợp tương tự về việc lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích tại TP Quảng Ngãi để có biện pháp xử lý…

Như Báo Người Lao Động thông tin, ông Nguyễn Hồng Sơn – một "đại gia" trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, bất động sản, đã xây dựng "biệt phủ" rộng hàng ngàn mét vuông trên đường Triệu Quang Phục, TP Quảng Ngãi. Công trình này được xây dựng trên đất lúa do vợ, con gái ông Sơn đứng tên và một phần đất do Nhà nước quản lý (đất giao thông, đất thủy lợi)… Vụ việc được cán bộ phường Chánh Lộ phát hiện, lập biên bản và báo cáo lên trên.

Ngày 9/11, UBND TP Quảng Ngãi ra quyết định xử phạt 75 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất lúa, đất do Nhà nước quản lý, trả lại nguyên trạng trong thời gian 60 ngày.

HoREA kiến nghị Tổ công tác gỡ bất động sản sớm gặp trực tiếp doanh nghiệp

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sớm có các động thái nhanh và quyết liệt để giải quyết sớm các vướng mắc, cứu nguy cho thị trường bất động sản.

Theo đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, hiện nay có đến khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại bị "vướng mắc pháp lý" nên Quyết định số 1435/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì và có tính lan tỏa, giúp cho thị trường bất động sản sản phần nào lấy lại "niềm tin" và ổn định một bước "tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư". Đồng thời tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phải nỗ lực "tự cứu mình" để giữ "chữ tín" với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.

Cụ thể, thị trường bất động sản là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp khoảng 11-13% GDP, liên quan đến hơn 35 ngành nghề thuộc hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và góp phần bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho người dân.

Do vị trí đặc biệt quan trọng của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, nên HoREA đề nghị Tổ công tác khẩn trương làm việc với UBND Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh trọng điểm. Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Tổ công tác sắp xếp gặp trực tiếp doanh nghiệp để nghe trình bày các vướng mắc, khó khăn cụ thể.

"Hiệp hội cũng đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hàng tuần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được xem xét, giải quyết, chỉ đạo kịp thời", ông Châu đề xuất.

HoREA kiến nghị Tổ công tác gỡ khó dự án bất động sản sớm gặp trực tiếp doanh nghiệp. Ảnh minh họa
HoREA kiến nghị Tổ công tác gỡ khó dự án bất động sản sớm gặp trực tiếp doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương vào cuộc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/08/2022 và nhất là Quyết định 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ để sớm có kết luận, xử lý, giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý, giải quyết để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở.

Trước đó, ngày 8/11, Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì các cuộc họp với một số doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội, Tp.HCM để đánh giá thực chất các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản.

9 ngày sau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Quyết định số 1435 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổ công tác do ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ phó. Cùng với đó là 5 thành viên khác.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, 2 năm 2022 - 2023 là “thời điểm vàng” để xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản.

Theo Chủ tịch HoREA, trong gần 2 năm qua, hàng tháng Chính phủ đều tổ chức cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đồng thời đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 "về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022".

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 "về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" và đã quyết định kế hoạch đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để giải quyết các “vướng mắc” do quy định của các luật thì phải cần có thời gian nên trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở.

"Đi đôi với tháo gỡ “vướng mắc” về “thủ tục hành chính” thì rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định", Chủ tịch HoREA cho hay.

Dự án khu biệt thự Melorita Hòa Lạc tại Hà Nội có giá từ 14 - 16 triệu đồng/m2

Melorita Hòa Lạc có vị trí tọa lạc tại thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Dự án nằm ngay cạnh tuyến đường ĐT446 thuận tiện di chuyển đến các khu vực trong Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hòa Bình.

Melorita Hòa Lạc có tổng diện tích 1,8 ha, được thiết kế quy hoạch với mô hình đất nền biệt thự. Cung cấp ra thị trường 23 lô biệt thự có diện tích lớn từ 258,8 m2 – 622,7 m2.

Sở hữu những tiện ích nội khu bao gồm: đường chạy địa hình liên hoàn, đảo nướng BBQ ngoài trời, khu vực cầu cá, khu vực cắm trại, sân khấu ngoài trời, thảm cỏ đa năng, vườn cưới, sân chơi team building, cầu vọng cảnh, vườn thiền, rạp chiếu phim ngoài trời, sân chơi trẻ em, nhà hàng, quầy bar, quán cafe, bể bơi 2 tầng ngoài trời, quầy bar ngoài trời…

Dự án khu biệt thự Melorita Hòa Lạc tại Hà Nội.
Dự án khu biệt thự Melorita Hòa Lạc tại Hà Nội.

Từ dự án thuận tiện di chuyển đến các tiện ích ngoại khu lân cận như: 15 phút đến sân bay Hòa Lạc, làng văn hóa các dân tộc, khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, làng Đại học Quốc gia; 18 phút đến sân golf Kings Island Đồng Mô; 25 phút đến trung tâm thị trấn Xuân Mai; 30 phút đến BigC Thăng Long, Chùa Thầy…

Chủ đầu tư dự án Melorita Hòa Lạc Hà Nội là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản BMI, đơn vị tư vấn thiết kế Công ty Cổ phần Tư vấn Kiến trúc Đô thị Hà Nội, đơn vị thi công Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC, đơn vị vận hành Bpmax.

Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản BMI được thành lập ngày 09/08/2019, đặt trụ sở tại số 89 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Hoạt động trong các lĩnh vực như: kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới bất động sản, hoạt động tư vấn quản lý…

Các sản phẩm tại dự án Melorita Hòa Lạc có mức giá bán trên thị trường từ 14 – 16 triệu đồng/m2.