Hà Nội quyết xử lý 712 dự án có sử dụng đất đang chậm tiến độ, chậm triển khai

Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội sơ kết 1 năm Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong một năm qua Nghị quyết này đã được thành phố cụ thể hóa để đưa vào đời sống bằng nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

Đến nay, 100% các cấp ủy đảng trực thuộc Thành ủy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 16 và Nghị quyết 15, trong đó UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, 20 chỉ tiêu cụ thể.

Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị thực sự đã trở thành nguồn động lực mới thúc đẩy Thủ đô Hà Nội phát triển về mọi mặt. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như:

Trong 1 năm qua, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô;

Hà Nội cũng đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022);

 khu đô thị mới Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.
Khu đô thị mới Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Ảnh: Báo Lao động

Xác định kết quả mấu chốt thực hiện Nghị quyết 15 là nâng cao đời sống người dân, thành phố đã thông qua Kế hoạch đầu tư ưu tiên cho 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với tổng tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng;

Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội cũng đã thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và quyết liệt xử lý đối với 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố...

Đặc biệt, thực hiện nội dung về đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô nêu trong Nghị quyết 15, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Đến nay, Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được hơn 50% tổng diện tích và hơn 60% tổng số ngôi mộ trong khu vực dự án trên địa bàn (dài 58,6km); dự kiến hoàn thành hơn 70% diện tích giải phóng mặt bằng để khởi công dự án vào ngày 30/6 tới.

7 căn nhà bất ngờ sụp xuống sông ở Cần Thơ, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng

Rạng sáng 8/5, bờ sông Cần Thơ (thuộc ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) bất ngờ sụp xuống sông khiến hàng chục căn nhà của người dân bị ảnh hưởng. Thiệt hại ước tính ban đầu hàng chục tỷ đồng.

Khu vực sạt lở nằm cạnh chân cầu Trường Tiền trên Đường tỉnh 923 (lộ Vòng Cung), trong phạm vi dự án kè sông Cần Thơ (đoạn từ cầu Cái Sơn, phường An Bình, quận Ninh Kiều đến xã Mỹ Khánh).

Theo người dân sinh sống tại khu vực này, khoảng 3h sáng cùng ngày, sau âm thanh "răng rắc" ở khu vực phía bờ sông, 7 căn nhà đã bị sụp xuống sông.

Bà Đỗ Thị Hồng (57 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phước) bàng hoàng kể lại: “Nửa đêm, tôi và gia đình đang ngủ thì nghe âm thanh răng rắc nên mọi người hô hoán rồi chạy vội ra ngoài sân.

Cùng lúc này thì nguyên khu vực phía sau bếp bị sụp, đồ vật gia dụng, máy giặt đổ hết xuống sông. Người đi đường thấy vậy, họ nhào vào phụ khiêng đồ ra. Đến giờ này tôi vẫn còn run. Không biết tối nay phải ngủ ở đâu?”.

Tương tự, ông Tô Kim Hải (67 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) kể: “Khoảng 3h sáng, tôi với vợ đang ngủ thì nghe tiếng chú chó trong nhà vừa cào cửa vừa sủa inh ỏi.

Linh tính có chuyện chẳng lành nên tôi kêu vợ thức dậy, tháo chạy ra sân. Vợ chồng tôi vừa chạy ra ngoài thì nền nhà bắt đầu bị sụp xuống”.

Tin bất động sản ngày 9/5: Hà Nội quyết xử lý 712 dự án có sử dụng đất đang chậm tiến độ, chậm triển khai
Một đoạn bờ sông - bên trên là nhà của 7 hộ dân bị "hà bá" nuốt chửng. Ảnh: Báo Giao thông

Trao đổi cùng PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh cho biết, có 7 căn nhà bị sạt lở với chiều dài khoảng 50m, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Ngay sau khi phát hiện sự cố địa phương đã điều động lực lượng tại chỗ, công an, quân sự, tập trung hỗ trợ giúp bà con di chuyển tài sản khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

"Khu vực này thực hiện dự án kè sông Cần Thơ từ Cái Răng và An Bình vào xã Mỹ Khánh, qua giai đoạn thực hiện công tác GPMB.

Còn khu vực sạt lở nằm trong khu vực đã bồi thường rồi, các hộ dân đang chờ tái định cư, bàn giao mặt bằng.

Trước mắt chúng tôi sẽ vận động người dân, tuyệt đối không được ở lại trong khu vực bị sạt lở”, ông Ca cho hay.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết thêm, vị trí này trước đó đã xuất hiện hiện tượng sạt lở, trong đó có khoảng 10 căn nhà nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng.

"Tất cả các hộ dân ở đây đều không an toàn, địa phương sẽ vận động người dân di dời đến nơi khác.

Huyện cũng sẽ báo cáo với UBND TP và chủ đầu tư dự án đối với những trường hợp nằm trong diện hỗ trợ tái định cư thì sẽ xem xét, bố trí tái định cư cho họ", ông Nghĩa nói.

Dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ có tổng chiều dài hơn 5km. Thời gian thực hiện từ năm 2016 đến tháng 12/2023. Tổng mức đầu tư hơn 1.095 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và vốn đối ứng ngân sách địa phương.

'Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản chồng lên Dự thảo Luật Đất đai'

Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, VCCI cho biết, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đang có những quy định chồng lên Luật Đất đai.

Cụ thể, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 Dự thảo Luật Đất đai (phiên bản lấy ý kiến nhân dân) thì “đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận.”. Có nghĩa, dự án được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ khi đã có Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 41 Dự thảo lại quy định điều kiện khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản “Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) của dự án, phần dự án chuyển nhượng đối với Nhà nước mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Theo VCCI, quy định này được hiểu, khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án thì chủ đầu tư chỉ cần hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án mà phần đất đó không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận, có nghĩa, không cần phải có Giấy chứng nhận.

“Như vậy, giữa hai Dự thảo vẫn đang chưa thống nhất về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án chuyển nhượng”, VCCI nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đang có những quy định chồng lên Dự thảo Luật Đất đai.. Ảnh BĐS.
Theo VCCI, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đang có những quy định chồng lên Dự thảo Luật Đất đai. Ảnh minh họa: BĐS

Ngoài ra, điểm e khoản 3 Điều 15 Dự thảo quy định trường hợp bán, cho thuê mua các phần diện tích sàn xây dựng của công trình xây dựng thì phần diện tích sàn xây dựng được bán, cho thuê mua ngoài việc đáp ứng điều kiện: “công trình xây dựng phải được xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê”.

Do đó, VCCI đề nghị rà soát quy định này với Dự thảo Luật Đất đai để thống nhất về hình thức trả tiền thuê đất một lần hay hằng năm, bởi vì Dự thảo Luật Đất đai đang có sự điều chỉnh về các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm và trả tiền một lần.

Xem lại chế định kinh doanh đối với công trình xây dựng không phải là nhà ở

Trên thực tế, công trình xây dựng không phải là nhà ở đang tồn tại trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng và được xây dựng trên loại đất thương mại dịch vụ. Các quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đưa loại hình công trình xây dựng không phải là nhà ở vào kinh doanh bất động sản và từng bước quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình.

Tuy vậy, để đảm bảo thuận lợi, đồng bộ trong quá trình thực hiện, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét các vấn đề liên quan đến đầu tư, kinh doanh đối với loại hình bất động sản cân nhắc một số vấn đề.

Đầu tiên, về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, Khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định “việc mua bán nhà ở, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”. Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành và Dự thảo Luật đất đai, công trình xây dựng chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình. Đề nghị thống nhất với quy định của pháp luật đất đai về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với công trình xây dựng này.

Về đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, Điều 16 Dự thảo quy định các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, trong đó, cá nhân nước ngoài không được phép thuê, thuê mua các công trình xây dựng.

Theo quy định của hiện hành và Dự thảo Luật Nhà ở cũng như Dự thảo này, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở (có kèm theo điều kiện). Điều này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Với quan điểm tiếp cận cởi mở của việc sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài, không rõ tại sao đối với công trình xây dựng, cá nhân nước ngoài lại không được phép “mua” mà chỉ được phép “thuê công trình xây dựng để sử dụng theo đúng công năng của công trình”? Nếu những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia, thì cơ chế quản lý tương tự như cơ chế áp dụng đối với sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài có thể kiểm soát được vấn đề này đối với việc cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng”, VCCI nhấn mạnh.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, VCCI đề nghị cân nhắc cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua công trình xây dựng không phải là nhà ở, trừ những khu vực có yêu cầu về an ninh, quốc phòng – tương tự như cơ chế áp dụng đối với việc cá nhân nước ngoài mua nhà ở.

Làm Khu đô thị đảo Ngọc, Quảng Ngãi cần khoảng 1.227 lô tái định cư

Ngày 8/5, ông Trà Thanh Danh- Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) có báo cáo kết quả thực hiện rà soát các trường hợp thuộc diện bố trí tái định cư (TĐC), dự kiến số lô TĐC, tổ chức lấy ý kiến của hộ dân và phương án bố trí TĐC phục vụ dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị mới An Phú (đảo Ngọc).

Đảo Ngọc (xã Tịnh An) gồm 328 hộ dân với 1.076 nhân khẩu thuộc thôn Ân Phú và xóm Tân Lập (thôn ngọc Thạch). Tại đây, có 1.537 thửa đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích dự kiến thu hồi để thực hiện dự án là khoảng 23,23 ha của 1.058 chủ sử dụng đất.

Theo tính toán, có khoảng 1.058 trường hợp thuộc diện bố trí TĐC với 1.227 lô TĐC dự kiến phải bố trí, giao đất (1.057 lô chính + 170 lô tính giao thêm theo tỷ lệ quy định).

Trong số này, khoảng 655 trường hợp chủ sử dụng đất có địa chỉ thường trú ở tại xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi) với 813 lô; 223 trường hợp chủ sử dụng đất có địa chỉ thường trú ở các xã, phường khác thuộc TP Quảng Ngãi với 227 lô; 97 trường hợp chủ sử dụng đất có địa chỉ thường trú ở 12 huyện, thị xã khác thuộc tỉnh Quảng Ngãi với 99 lô; 83 trường hợp chủ sử dụng đất có địa chỉ thường trú ở khắp 21 tỉnh, thành khác trên cả nước với 88 lô.

Qua buổi làm việc của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, người dân thống nhất về chủ trương xây dựng dự án nhưng hầu hết mong muốn được sắp xếp, bố trí TĐC tại chỗ để được hưởng lợi do dự án mang lại.

Một số người dân mong muốn được xem xét giải quyết công ăn, việc làm khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có một số ý kiến yêu cầu về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, như: Giá bồi thường, hỗ trợ phải xứng đáng; nơi TĐC phải đảm bảo nguyên tắc tốt hơn nơi ở cũ...

Dù vậy, theo UBND TP Quảng Ngãi, hiện tại chưa có đầy đủ thông tin về khu TĐC dự kiến xây dựng để phục vụ dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị mới An Phú (đảo Ngọc).

Đảo Ngọc nằm giữa sông Trà Khúc, gồm 328 hộ dân với 1.076 nhân khẩu.
Đảo Ngọc nằm giữa sông Trà Khúc, gồm 328 hộ dân với 1.076 nhân khẩu. Ảnh minh họa: Kinh tế và Đô thị

Trong khi đó, dự án này được duyệt lại không quy hoạch khu đất dành cho việc bố trí TĐC. Do vậy, UBND thành phố chưa có cơ sở tham mưu về dự kiến TĐC cư di dời đến.

Ngày 15/3, tại kỳ họp 13 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2012- 2026 thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị mới An Phú tại TP Quảng Ngãi.

Đây là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư là 3.800 tỷ đồng từ thu tiền sử dụng đất của tỉnh và nguồn vượt thu ngân sách. Thời gian thực hiện năm 2023-2028, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX về phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển đô thị TP Quảng Ngãi về phía Đông Bắc theo hướng đô thị ven sông. Đây cũng là nhiệm vụ cụ thể hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 – 2026) của tỉnh Quảng Ngãi.

Đồng thời, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ trên địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch được duyệt; tăng cường khả năng kết nối, lưu thông từ hai bờ sông Trà Khúc vào trung tâm đảo Ngọc cũng như kết nối giao thông giữa hai bờ sông của TP Quảng Ngãi, thúc đẩy mở rộng và phát triển không gian đô thị TP Quảng Ngãi về phía Đông, hai hướng sông Trà Khúc.

Tạo điểm nhấn không gian kiến trúc, xây dựng biểu tượng cho TP Quảng Ngãi để tạo ra một đô thị bên sông thực sự, làm thay đổi diện mạo, tầm vóc của TP Quảng Ngãi trong tương lai.