TP HCM còn hơn 6.500 căn hộ chưa sử dụng, sẽ đưa vào tái định cư

TP.HCM hiện còn 6.676 căn hộ chưa sử dụng, sẽ đưa vào phương án bồi thường bố trí tái định cư cho khoảng 450 dự án đầu tư công có giải phóng mặt bằng.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết tại cuộc họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, chiều 20/7.

Theo ông Hoan, TP.HCM hiện có 6.676 căn hộ chưa sử dụng đang được UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức có kế hoạch sử dụng, hiệp thương đưa vào phương án bồi thường bố trí tái định cư cho khoảng 450 dự án đầu tư công có giải phóng mặt bằng; được dùng làm quỹ nhà dự phòng phục vụ tạm cư chung cư hư hỏng nặng, cháy nổ, sạt lở bờ sông. Bên cạnh đó, TP hiện có 4.927 căn hộ và 40 nền đất đã được UBND TP có chủ trương bán đấu giá.

"Theo quy định của pháp luật, việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng khu tái định cư. Cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường phải thông báo phương án tái định cư cho người có đất ở bị thu hồi. Trong đó nêu rõ địa điểm quy mô, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà ở phục vụ tái định cư", ông Hoan nói.

TP.HCM còn hơn 6.500 căn hộ chưa sử dụng, sẽ đưa vào tái định cư. Ảnh: Thu Giang
TP HCM còn hơn 6.500 căn hộ chưa sử dụng, sẽ đưa vào tái định cư. Ảnh minh họa: Thu Giang

Theo ông Hoan, khi phương án hỗ trợ, bồi thường tái định cư được duyệt, đi vào thực hiện, hộ dân có hai lựa chọn hoặc nhận nhà để tái định cư hoặc nhận tiền tự lo nơi ở mới.

Do đó, các dự án tái định cư đều phải được đầu tư trước khi có thông báo thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, nhằm có thời gian xây dựng hoàn thành và đảm bảo đủ nguồn nhà phục vụ tái định cư cho toàn bộ người dân bị ảnh hưởng, để họ lựa chọn và quyết định hình thức tái định cư theo quy định.

Đại diện Sở xây dựng cho biết thêm, TP.HCM là địa phương lớn, cùng thời điểm có thể triển khai khoảng 450 dự án đầu tư công nên việc di dời, giải tỏa, tái định cư phải xem xét trong tổng thể phục vụ cho nhiều dự án chỉnh trang theo quy định của pháp luật; không thể xem xét đầu tư cho từng dự án chỉnh trang cụ thể.

"Như vậy, khi hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đối với quỹ nhà tái định cư mà người dân không lựa chọn do đã nhận tiền để tự lo nơi ở mới thì TP sẽ xem xét điều chuyển cho các dự án đầu tư công khác hoặc đấu giá để thu hồi vốn. Còn về công tác duy tu, ông cho biết đây là công tác bắt buộc để đảm bảo khi bố trí tái định cư cho người dân", ông Hoan cho hay.

Chính phủ Úc tài trợ vốn rà soát kết quả quy hoạch Sân bay Phú Quốc

Trong văn bản vừa được gửi tới UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ GTVT cho biết là Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1608/QĐ-TTg ngày 10/11/2008.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.

Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được quy hoạch với công suất 10 triệu hành khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và 18 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ GTVT cũng đã giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, làm cơ sở triển khai đầu tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Đến nay, Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ của quy hoạch.

Hiện nay Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là một trong những cảng hàng không đầu mối đóng vai trò gom tụ hành khách, hàng hóa và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Do tính chất quan trọng của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Bộ GTVT và Đại sứ quán Úc đã thống nhất sử dụng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Úc thông qua Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành giao thông vận tải (Chương trình Aus4Transport) để lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế thực hiện công tác hỗ trợ rà soát, đánh giá, khuyến nghị về kết quả quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch, tối ưu hóa quỹ đất, hiệu quả khai thác và khả năng phát triển bền vững trong dài hạn của Cảng.

“Trên cơ sở kết quả rà soát, Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được hoàn thiện, thẩm định và phê duyệt theo quy định”, Bộ GTVT cho biết.

Chính phủ Úc tài trợ vốn rà soát kết quả quy hoạch Sân bay Phú Quốc. Ảnh minh họa
Chính phủ Úc tài trợ vốn rà soát kết quả quy hoạch Sân bay Phú Quốc. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư

Về trách nhiệm đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Bộ GTVT cho biết là theo quy định tại Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cảng hàng không có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu của cảng hàng không (ngoại trừ trường hợp do Nhà nước trực tiếp đầu tư và các công trình bảo đảm hoạt động bay).

Do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là doanh nghiệp cảng hàng không tổ chức quản lý, khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Vì vậy, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc theo quy hoạch.

Về khả năng cân đối vốn để mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Bộ GTVT cho biết là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thông báo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã bố trí vốn đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Theo Bộ GTVT, sau khi Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định.

“Như vậy, sau khi Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Vào tháng 5/2023, UBND tỉnh Kiên Giang đã có công vưn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành và đơn vị liên quan sớm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, trong đó ưu tiên đầu tư đường cất hạ cánh mới số 2 và xây dựng mới bổ sung nhà ga T2 trong giai đoạn 2021 – 2025.

Việc đầu tư này, theo UBND tỉnh Kiên Giang là nhằm đảm bảo hoạt động của cảng hiệu quả, an toàn và liên tục (do vị trí đặc biệt của cảng mang lại), đáp ứng năng lực phục vụ ngày càng tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và du lịch tỉnh Kiên Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Hưng Yên dự kiến đầu tư tuyến đường kết nối di sản dọc sông Hồng

Theo nghị quyết, dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 9.275 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2027, chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải. Địa điểm xây dựng dự án tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên.

Về mục tiêu đầu tư, xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thiết yếu của tỉnh Hưng Yên nói riêng, của khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt.

Đồng thời, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân và khai thác được quỹ đất dọc hai bên tuyến, phát triển và hình thành các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ du lịch... thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên.

Cùng với đó, hình thành tuyến đường liên kết vùng kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng Thăng Long - Phố Hiến - Tam Chúc - Bái Đính - Chùa Hương; kết nối giao thông vùng Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX.

Tuyến đường có điểm đầu tại Km0+000, ranh giới tỉnh Hưng Yên và Hà Nội tại km76+984 trên đường ĐT.378 (đê sông Hồng), xã Xuân Quan, huyện Văn Giang; điểm cuối khoảng km55+680 giao đê tả sông Hồng tại km133+500, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 55,68 km.

Hưng Yên dự kiến đầu tư tuyến đường kết nối di sản dọc sông Hồng. Ảnh minh họa
Hưng Yên dự kiến đầu tư tuyến đường kết nối di sản dọc sông Hồng. Ảnh minh họa

Trên tuyến dự kiến 2 cầu vượt qua kênh thủy lợi tại Trạm bơm Liên Nghĩa, Trạm bơm Nghi Xuyên và cầu Nghi Xuyên phù hợp với quy mô qua sông, kênh thủy lợi.

Dải phân cách bó vỉa và trồng cây xanh tạo cảnh quan trên dải phân cách giữa. Mở dải phân cách giữa tại các vị trí quy hoạch có các đường ngang lớn và các điểm quay xe tại các khu đô thị.

Các đoạn qua khu đô thị xây dựng vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng 5,0m. Trên hè lát đá, lát gạch, bên dưới bố trí các công trình ngầm (đường ống thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện). Dọc hai bên hè đường bố trí các hố trồng cây với khoảng cách giữa các hố trung bình 8,0m. Đồng thời, bố trí hệ thống chiếu sáng bảo đảm phù hợp với quy mô tuyến đường và theo các tiêu chuẩn QCVN.

HĐND tỉnh Hưng Yên giao UBND tỉnh báo cáo các cơ quan Trung ương, bộ, ngành có liên quan xem xét, thẩm định và quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật khi đã bảo đảm về nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Công bố quy hoạch trụ sở bộ ngành, cơ quan trung ương tại Hà Nội

Ngày 20/7, Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Theo Bộ Xây dựng, ngày 20/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 423/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Theo đó, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể. Đồ án quy hoạch gồm 2 bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì.

Trong đó quy mô lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở Bộ, ngành Trung ương tập trung tại khu Tây Hồ Tây khoảng 35 ha, gồm 20,7 ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14,3 ha tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm.

Phối cảnh hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây
Phối cảnh hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây.

Khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc bằng phương tiện giao thông cơ giới. Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12 - 25 tầng, các khối công trình công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6 - 24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20 m.

Đồ án quy hoạch chỉ rõ đối với khu Tây Hồ Tây, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Cụ thể, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1.

Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Trong đó sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2. Giai đoạn từ năm 2031 - 2035, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các Bộ, ngành còn lại và các công trình công cộng (giai đoạn 2).

Tại khu Mễ Trì, quy mô quy hoạch chi tiết khoảng 55 ha, trong đó khoảng 43,6 ha thuộc phường Mễ Trì và khoảng 11,4 ha thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.

Không gian tổng thể của quy hoạch là các cụm công trình kiến trúc có chiều cao công trình trụ sở Bộ, ngành tương đối thống nhất. Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17 - 25 tầng, công trình công cộng cao 3 - 5 tầng, giáp với tuyến đường đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên.

Giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ NN&PTNT và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng.

Từ năm 2026 - 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ NN&PTNT và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Giai đoạn năm 2030 về sau, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.