Bộ GTVT lên tiếng về dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận định tuyến đường sắt này là dự án khó, quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên cần nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thứ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn cần rà soát kết cấu, nội dung dự án theo một số dự án quan trọng quốc gia đã được phê duyệt vừa qua, cập nhật những vấn đề Hội đồng thẩm định quan tâm trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào hồ sơ dự án. Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì rà soát, làm rõ sự phù hợp với quy hoạch của dự án, định hướng quy hoạch, đầu tư khu vực trong thời gian tới.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì rà soát, làm rõ sự phù hợp với quy hoạch của dự án, định hướng quy hoạch, đầu tư khu vực trong thời gian tới.

Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn cũng được giao làm rõ số liệu dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính khoa học, thống nhất với số liệu trên hành lang vận tải TP HCM - TP Cần Thơ. Song song đó, xác định cụ thể loại hàng dự kiến vận chuyển bằng đường sắt; tính toán phân bổ với các phương thức vận tải khác để xác định sự cần thiết, thời điểm, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ, phương án khai thác và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án.

Bên cạnh đó, dự án cũng cần được cập nhật, đối chiếu kết nối của tuyến đường sắt này với các ga dự kiến trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và với các phương thức vận tải khác; khả năng dành quỹ đất của địa phương để xây dựng các nhà ga; dự kiến điều chỉnh vị trí, quy mô các ga của địa phương.

Rà soát các chi phí trong tổng mức đầu tư, phương án tài chính dự án theo nguyên tắc tính đúng tính đủ, đối với các hạng mục tham khảo, vận dụng của các nước khác (hệ thống thông tin tín hiệu, phương tiện, chi phí quản lý, vận hành, bảo trì...), phải trích dẫn nguồn số liệu cụ thể, tính toán trong cùng mặt bằng so sánh.

Hướng tuyến dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ
Hướng tuyến dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Ảnh: Báo Đầu tư

Cùng với đó, rà soát, bổ sung trong hồ sơ dự án về phương án tổ chức, vận hành khai thác; cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện dự án, bao gồm cả đánh giá tác động của cơ chế chính sách này.

Ban Quản lý dự án đường sắt xây dựng tiến độ cụ thể cho từng nội dung cụ thể trong giai đoạn chủ trương đầu tư (lập, trình phê duyệt, thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, thẩm tra dự án), báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư/nhà thầu, tiến độ thi công và đưa vào dự án vận hành khai thác. Tiến độ cần phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của từng phương thức vận tải.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu: “Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo tư vấn thiết kế tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ chủ trương đầu tư dự án, trình Bộ GTVT trong tháng 3/2023. Vụ Kế hoạch - Đầu tư rà soát, tham mưu lấy ý kiến chính thức của các địa phương, cơ quan có liên quan, Hiệp hội Sông Mê Kông làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo”.

Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Ban Quản lý dự án đường sắt lập, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành với tổng chiều dài 174,42km.

Tuyến đường sắt này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Trên tuyến cần bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa...

Sẽ đầu tư thêm cầu đáp ứng cho các loại tàu vào cảng cao cấp Ao Tiên

Chiều 14/3, tại huyện Vân Đồn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và UBND huyện Vân Đồn tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2023, tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 dự kiến được tổ chức vào ngày 17/3 tới.

Tại hội nghị, báo chí nêu phản ánh của một số chủ phương tiện về việc hệ thống cầu cảng ở cảng cao cấp Ao Tiên, huyện Vân Đồn chưa đáp ứng được nhu cầu cho các loại phương tiện nhỏ vào neo đậu để bốc dỡ hàng hóa và hành khách lên xuống.

Trả lời nội dung này, ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn cho biết: Thủy triều ở khu vực có cảng cao cấp Ao Tiên lên xuống có độ chênh lên tới trên dưới 4m.

Trong khi đó, việc thiết kế, thi công hệ thống cầu cảng phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

"Do đó, để khắc phục tình trạng này, chủ đầu tư đã làm thêm hệ thống cầu để phục vụ cho các tàu nhỏ vào bốc dỡ hàng hóa và người lên xuống thuận lợi", ông Hùng nói.

"Hiện chủ đầu tư đã đặt thêm 4 phao bê tông nổi để lắp đặt trong hệ thống cầu cảng. Khi đó sẽ đáp ứng được nhu cầu của các loại phương tiện khi vào đây neo đậu", vị Bí thư Huyện ủy Vân Đồn cho biết thêm.

Cảng cao cấp Ao Tiên được đưa vào sử dụng từ ngày 1/3/2023. Ảnh: Báo Giao thông
Cảng cao cấp Ao Tiên được đưa vào sử dụng từ ngày 1/3/2023. Ảnh: Báo Giao thông

Cảng cao cấp Ao Tiên có tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng. Đây là bến thủy nội địa cấp I chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch tuyến Vân Đồn đi các đảo trên địa bàn và các điểm tham quan trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long.

Công trình được thiết kế 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m, dài 150m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu.

Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng 8.000m2, công suất thiết kế 2,6 triệu lượt khách/năm ở giai đoạn 2020-2025 và mở rộng lên 3,2 triệu lượt khách/năm, giai đoạn 2025-2030 và đến năm 2040 công suất tối đa khoảng 4,2 triệu lượt khách/năm.

Đi kèm với đó là các khu vực cảnh quan, phân khu chức năng, như: Đón hành khách, bán vé, nhà chờ, khu làm việc liên ngành, dịch vụ phụ trợ đi kèm...

Cảng cao cấp Ao Tiên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2023 và hiện chỉ mới đón những tàu vận tải hành khách theo tuyến Vân Đồn - Cô Tô với 2 chuyến đi, về/ngày.

Công ty Bách Đạt An nộp hơn 10 tỷ đồng sau chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam

Ngày 14/3, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, cho biết địa phương vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình chuyển kinh phí thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng dự án của Công ty Cổ phần Bách Đạt An.

Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay sau khi UBND tỉnh có công văn về việc giải quyết vướng mắc các dự án do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, địa phương đã giao trách nhiệm cho Trung tâm Phát triển quỹ đất theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp trên chuyển nguồn kinh phí để thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng các dự án theo các phương án đã được duyệt.

Tính đến thời điểm này, tổng số tiền Công ty Bách Đạt An đã chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã hơn 15 tỷ đồng. Đến nay, số tiền công ty đã chuyển đến trung tâm là 10,9 tỷ đồng. Số tiền này Công ty Bách Đạt An dùng để chi trả bồi thường cho 2 dự án Khu đô thị Hera Complex Riverside và Khu đô thị số 7B mở rộng.

Trung tâm Phát triển quỹ đất đã chi trả theo phương án được duyệt hơn 2,78 tỷ đồng; số tiền còn lại chưa chi trả hơn 12 tỷ đồng. Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ tiếp tục lập kế hoạch chi trả từ ngày 14/3.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, số tiền còn lại Công ty Bách Đạt An phải chuyển theo phương án đã duyệt cho các dự án mà doanh nghiệp trên làm chủ đầu tư là hơn 69 tỷ đồng. UBND thị xã sẽ tiếp tục đôn đốc để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ngày 1/3, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công văn về việc giải quyết vướng mắc các dự án do Công ty Cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Trong công văn, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thời gian qua, Công ty cổ phần Bách Đạt An đã thiếu quyết tâm, không nghiêm túc triển khai các chỉ đạo, kết luận của UBND tỉnh, phối hợp không chặt chẽ với các sở, ngành và UBND thị xã Điện Bàn trong quá trình giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến các dự án do công ty triển khai trên địa bàn tỉnh; nhất là các dự án Khu đô thị Bách Đạt, Khu đô thị số 7B mở rộng và Khu đô thị Hera Complex Riveside.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Bách Đạt An chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trước ngày 10/3. Đồng thời, công ty khẩn trương hoàn thành nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước đối với phần diện tích đã được tỉnh giao đất để thực hiện dự án Khu đô thị Bách Đạt.

Liên quan đến vụ án tranh chấp các dự án bất động sản tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do Công ty CP Bách Đạt An ký hợp đồng với đơn vị phân phối là Công ty CP đầu tư Hoàng Nhất Nam từ năm 2017, có gần 800 khách hàng và đã giao dịch gần 1.500 lô đất nhưng chủ đầu tư chậm trễ trong công tác trao sổ đỏ.

UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo, cũng như yêu cầu giải quyết tồn tại, vướng mắc liên quan đến các dự án do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư, yêu cầu công ty này đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; yêu cầu chuyển kinh phí để chi trả cho người dân, tuy nhiên, Công ty CP Bách Đạt An vẫn không thực hiện, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi đặt mua đất nền từ rất sớm.

Thanh tra Chính Phủ trước đó đã gửi văn bản đến Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo chủ đầu tư sớm xây dựng phương án cụ thể, thi công cơ sở hạ tầng, hoàn thiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo hợp đồng đã ký và được kết luận tại các bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Thái Nguyên tìm nhà đầu tư cho dự án 1.496 tỷ đồng, quy mô 43ha

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên vừa mời các nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Quyết Thắng ngay tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên.

Theo đó, dự án Khu đô thị Quyết Thắng có diện tích khoảng 43ha, với hiện trạng là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do các tổ chức và hộ gia đình cá nhân đang quản lý, sử dụng; chưa bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên sau khi lựa chọn được nhà đầu tư dự án sẽ có 14,7ha đất ở (đất ở biệt thự, đất ở liền kề, đất nhà ở xã hội, đất ở liền kề - tái định cư); còn lại là đất trường học, đất cây xanh công viên, đất hạ tầng kỹ thuật,…

Nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Bao gồm: hệ thống các tuyến đường giao thông, san nền; các công trình hạ tầng kỹ thuật; thoát nước mặt, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, thoát nước thải và vệ sinh môi trường; tập kết rác thải và chất thải rắn;…

Dự án Khu đô thị Quyết Thắng ngay tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên - Ảnh minh họa
Dự án Khu đô thị Quyết Thắng ngay tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó sẽ được đầu tư xây thô hoàn thiện mặt ngoài 261 căn nhà ở, với 226 lô liền kề cao 03 tầng; 35 lô biệt thự, cao 03 tầng. Đồng thời đầu tư 01 công trình Trung tâm thương mại, 01 công trình thương mại dịch vụ (chợ); dành 2,8ha đất để phát triển nhà ở xã hội.

Nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển giao cho UBND TP Thái Nguyên quản lý đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng, đất tái định cư, đất phát triển nhà ở xã hội,…

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.496 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 749,96 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 746,19 tỷ đồng.

Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 224,422 tỷ đồng (không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án).

Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở các số liệu tài chính của nhà đầu tư trong báo cáo tài chính của nhà đầu tư năm gần nhất đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán và Báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật.

Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ Quý II/2022 – Quý II/2027.