Hải Phòng sắp đấu giá khu 'đất vàng' hơn 9.000m2 với giá khởi điểm gần 630 tỷ đồng

Cụ thể, khu đất đất đấu giá có diện tích 9.165m2. Giá khởi điểm của cả khu đất là hơn 629,84 tỷ đồng; tiền đặt trước hơn 125,96 tỷ đồng. Đây là tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hải Phòng.

Được biết, năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng (Công ty Duy Hưng) xin thuê đất lô số 4/10A để xây Trung tâm Thương mại và Khách sạn cao cấp. Ngày 21/1/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đầu tư dự án mà bỏ hoang, giấy tờ đất bị mang đi thế chấp ngân hàng.

Tháng 11/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng quyết định chấm dứt hoạt động đối với dự án. Lý do là sau 12 tháng, Công ty Duy Hưng không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký và không thuộc trường hợp được giãn, hoãn tiến độ thực hiện dự án (theo điều 48 Luật Đầu tư năm 2014).

Lô đất 9.165 m2 được quây tôn bảo vệ, còn dự án chậm triển khai.
Lô đất 9.165 m2 được quây tôn bảo vệ, còn dự án chậm triển khai. Ảnh: vietnamfinance

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng sau đó gia hạn thời gian sử dụng đất cho Công ty Duy Hưng 24 tháng kể từ ngày dự án bị chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, chủ đầu tư không báo cáo, cũng không gửi hồ sơ, tài liệu về chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất đến nhà chức trách thành phố.

Ngày 30/9/2021, UBND TP Hải Phòng quyết định thu hồi khu đất "vàng", giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý; giao UBND quận Hải An tổ chức cưỡng chế.

Lô đất “vàng” có diện tích 9.165m2 nêu trên có vị trí mặt tiền tại đường Lê Hồng Phong. Đây là tuyến đường chính dẫn từ sân bay Cát Bi về trung tâm TP Hải Phòng.

Phú Yên ban hành đơn giá bồi thường cây trồng thu hồi đất dự án cao tốc

Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành đơn giá bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất đối với Dự án Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên (gọi tắt là Dự án Cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Phú Yên).

Cụ thể, đơn giá bồi thường cây hàng năm tại tỉnh Phú Yên được tính theo phương pháp xác định một loại cây trồng chính và năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề của loại cây trồng đó; áp dụng năng suất của cây trồng chính cho tất cả các loại cây hàng năm khác tại nơi có đất thu hồi để tính bồi thường.

Trong đó, khu vực đồng bằng thì xác định cây lúa là cây trồng chính để tính bồi thường với đơn giá bồi thường là 5.566 đồng/ m2; vùng trung du, miền núi tùy từng điều kiện cụ thể sẽ xác định cây mía hoặc sắn là cây trồng chính để tính tiền bồi thường (đơn giá cây mía là 7.311 đồng/ m2; cây sắn là 6.188 đồng/ m2).

Đối với các cây trồng lâu năm, việc xác định đơn giá tiền bồi thường dựa vào xác định giá trị vườn cây lâu năm theo các thời kỳ đầu tư gồm thời kỳ xây dựng cơ bản (chưa cho sản phẩm thu hoạch) và thời kỳ kinh doanh (trong thời kỳ thu hoạch trái, hạt, dầu, nhựa, thân cây…). Giá trị hiện có của vườn cây được tính là toàn bộ chi phí đầu tư đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền theo thời giá thị trường tại địa phương (riêng thời kỳ kinh doanh sẽ bị trừ đi giá trị thu hồi nếu có).

Trường hợp cây trồng không thuộc các đối tượng trên, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu đơn vị, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ căn cứ vào đặc điểm, giống cây đối chiếu với đơn giá bồi thường cây lâu năm để tính toán cụ thể và áp dụng tương tự.

Đơn giá bồi thường một số loại cây được UBND tỉnh Phú Yên ban hành như cây cao su (năm thứ nhất) 48 nghìn đồng/cây; cây điều mới trồng 43 nghìn đồng/cây; cây dừa các loại đang cho quả 719 nghìn đồng/cây; hồ tiêu có cọc gỗ, bê tông đã cho hạt 478 nghìn đồng/ gốc…

Theo tìm hiểu, dự thảo Quyết định của UBND tỉnh Phú Yên về ban hành đơn giá bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất đối với Dự án Cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Phú Yên nhận được sự thống nhất nội dung của 23/25 thành viên của UBND tỉnh; 2 thành viên không thống nhất vì cho rằng cơ sở pháp lý không quy định hoặc nên thực hiện theo khoản 1, Điều 90, Luật Đất đai năm 2013.

Trước đó vào tháng 11/2022, như Báo Đầu tư online đã thông tin, UBND tỉnh Phú Yên đã có các văn bản đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn về công tác bồi thường đối với cây trồng theo quy định liên quan Dự án Cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Phú Yên.

Theo đó, tại thời điểm này, tỉnh Phú Yên thông tin việc chưa ban hành Quyết định quy định về đơn giá bồi thường cây trồng do gặp nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh.

Hà Nội thông tin về số phận 'siêu dự án' Gamuda - Công viên Yên Sở

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội thông tin về khu chức năng đô thị Gamuda Central và Công viên phía Nam Yên Sở.

Theo đó, Dự án xây dựng Công viên Yên Sở được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 31/12/2007, nhà đầu tư là Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia); doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam; tổng vốn đầu tư 846 triệu USD; quy mô dự án khoảng 323 ha, trong đó: 286,77ha xây dựng công viên; 35,6ha xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, thể thao và dịch vụ. Tiến độ thực hiện dự án theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng công viên, nạo vét lòng hồ hoàn thành trước ngày 10/10/2010 để chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; giai đoạn 2 hoàn thành các công trình còn lại năm 2015.

Về đất đai, theo UBND thành phố, Khu A tổng diện tích 125,5ha, gồm 2 phần: Khu công viên văn hóa và công viên Truyền thống diện tích khoảng 34,59ha, hiện trạng đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình và đưa vào sử dụng; khu chức năng đô thị và phần còn lại của công viên cây xanh đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng (còn khoảng 920m2 chưa giải phóng mặt bằng) và đầu tư xây dựng khu văn phòng, dịch vụ trên các ô đất CC1, CC2, CQ1.

Khu B, tổng diện tích khoảng 191, 67ha, gồm: Khu công viên khoảng 149,68ha; khu đô thị khoảng 42ha. UBND thành phố chưa ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất; chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.

Về tiến độ thực hiện dự án, UBND thành phố cho biết, theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ thực hiện dự án theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng công viên, nạo vét lòng hồ hoàn thành trước ngày 10/10/2010, đến nay cơ bản đảm bảo tiến độ; giai đoạn 2 hoàn thành các công trình còn lại (năm 2015) đến nay chưa hoàn thành theo tiến độ.

UBND thành phố thông tin, ngày 8/7/2014, UBND thành phố có Thông báo 140 chỉ đạo một số nội dung điều chỉnh dự án, trong đó đồng ý việc dừng triển khai thực hiện Khu B của Dự án theo kiến nghị của Gamuda Land Việt Nam. Ngày 7/3/2017, UBND thành phố có Thông báo 144 giao Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT), Viện Quy hoạch xây dựng hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư T&M Việt Nam nghiên cứu lập quy hoạch Khu B.

Ngày 6/2/2018, UBND thành phố có Thông báo 121, chỉ đạo về việc triển khai dự án tại Khu B, theo đó, nếu Gamuda Land Việt Nam tiếp tục có nhu cầu đầu tư thì có văn bản đề xuất; trường hợp không tiếp tục đầu tư thì thực hiện theo Thông báo 140 ngày 8/7/2014; trường hợp hợp tác đầu tư, UBND thành phố ủng hộ, tạo điều kiện theo quy định pháp luật.

Ngày 6/11/2018, Gamuda Land Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư T&M Việt Nam có văn bản gửi UBND thành phố về việc hợp tác đầu tư Khu B. Ngày 4/11/2019, UBND thành phố có Thông báo 1324 đồng ý để Gamuda Land Việt Nam hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần đầu tư T&M Việt Nam đối với Khu B theo quy định của pháp luật và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại văn bản 7669 ngày 17/10/2019.

Hà Nội thông tin về số phận 'siêu dự án' Gamuda - Công viên Yên Sở
Hà Nội thông tin về số phận 'siêu dự án' Gamuda - Công viên Yên Sở.

Năm 2020, công ty đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư trên cơ sở tách doanh nghiệp và dự án đầu tư cho từng khu (A và B) theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT. Quá trình thẩm định, Sở KH&ĐT nhận thấy Nghị định 118 hướng dẫn Luật Đầu tư chưa xác định rõ thẩm quyền điều chỉnh dự án có vốn FDI quy mô trên 5.000 tỷ đồng, vì vậy đã báo cáo thành phố phối hợp với Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 11/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 129 theo đó, giao UBND cấp tỉnh xem xét quyết điều chỉnh dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô trên 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư thì Luật Đầu tư mới có hiệu lực. Theo đó, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư từ năm 2021 đến nay, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 23/8/2021, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư lên Bộ KH&ĐT, tuy nhiên, đến ngày 13/5/2022, nhà đầu tư có văn bản xin rút toàn bộ các hồ sơ đã nộp về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để xem xét lại. Ngày 19/7/2022, nhà đầu tư nộp lại hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án lên Bộ KH&ĐT.

Theo đó, các nội dung nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh gồm: Phạm vi dự án, Khu A và Khu B theo các quy hoạch được duyệt (không tách dự án như các nội dung đã được UBND thành phố thông báo); điều chỉnh mục tiêu dự án gồm nhiều nội dung, trong đó điều chỉnh mục tiêu dự án thành một khu chức năng đô thị, có nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư; điều chỉnh quy mô giảm từ khoảng 322,57ha xuống 297,26ha; điều chỉnh tổng vốn đầu tư, tăng từ khoảng 13.663 tỷ (846 triệu USD) lên 28.513 tỷ (1.229 triệu USD); điều chỉnh thời gian hoạt động dự án, từ 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (ngày 31/12/2007) thành 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất…; điều chỉnh tiến độ dự án dựa trên mốc thời gian được cấp giấy phép xây dựng và dự kiến hoàn thành năm 2028.

Sau khi được chỉ đạo của UBND thành phố theo đề nghị của Bộ KH&ĐT, Sở KH&ĐT đã có văn bản 3849 ngày 18/8/2022 lấy ý kiến các cơ quan liên quan để tổng hợp, tham mưu UBND thành phố văn bản tham gia ý kiến. Theo UBND thành phố, Sở KH&ĐT đang tổng hợp ý kiến các sở, ngành để báo cáo UBND thành phố có văn bản tham gia ý kiến với Bộ KH&ĐT.

Sơ bộ cho thấy ý kiến của các sở, ngành liên quan còn một số nội dung cần được làm rõ hoặc bổ sung vì đây là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài từ 2007 đến nay nên quá trình tham gia ý kiến thẩm định cần kiểm tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan theo quy định pháp luật từng thời điểm.

Cụ thể, Gamuda Land Việt Nam đề nghị điều chỉnh chủ trương trong khi chưa làm rõ tình hình thực hiện hợp tác đầu tư Khu B giữa Gamuda Land Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư T&M Việt Nam theo chỉ đạo của UBND thành phố và các văn bản của hai bên. Việc này tiềm ẩn những vấn đề có thể dẫn đến tranh chấp, cần được rà soát làm rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Khu B của dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, khu đất thực hiện dự án có diện tích mặt nước chiếm tỷ lệ lớn, có mối liên hệ chặt chẽ với phần công viên và vai trò về cảnh quan, môi trường và thủy lợi. Dự án chưa phân định rõ phần diện tích sử dụng vào mục đích kinh doanh và phần diện tích sử dụng vào mục đích công cộng; chưa xác định cơ chế đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác đối với phần diện tích công viên, mặt nước.

"Dự án có đề nghị xây dựng nhà ở thương mại, cần được thẩm định đầy đủ theo các quy định pháp luật về nhà ở. Theo giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ thực hiện dự án là năm 2015 nhưng đến nay chưa hoàn thành; cần được rà soát, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để có căn cứ thực hiện theo các quy định pháp luật", UBND thành phố nêu.

Dự án biệt thự nghỉ dưỡng Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa tại Lâm Đồng

Dự án Biệt thự nghỉ dưỡng Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa có vị trí tại đồi chè Tâm Châu, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Dự án Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa cách UBND huyện Bình Chánh 6,4 km; cách cầu vượt Nguyễn Văn Linh 3,4 km.

Dự án Biệt thự nghỉ dưỡng Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa có quy mô 6 ha, mật độ xây dựng 19%, phát triển với loại hình đất nền, biệt thự đơn lập xây sẵn. Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa có quy mô 216 căn biệt thự, diện tích trung bình từ 100 m2 – 200 m2.

Tiện ích nội khu dự án Biệt thự nghỉ dưỡng Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa: Bể bơi 4 mùa, sân golf, công viên kỳ quan, lâu đài khách sạn Chambord 7 tầng, khu tắm suối khoáng nóng onsen, dòng sông Lauch, khu bảo tồn rừng thông Samu…

Dự án biệt thự nghỉ dưỡng Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa tại Lâm Đồng
Dự án biệt thự nghỉ dưỡng Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa tại Lâm Đồng.

Dự án Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa có vị trí đối diện Đồi Chè Tâm Châu, nằm cạnh bên khu quần thể Khu Cộng đồng Sinh thái - Du lịch - Nghỉ dưỡng La Beaute, cách Thác Đamb’ri 10 phút di chuyển, cách trung tâm Thành phố Bảo Lộc 15 km.

Dự án Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa do Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Long PNJ làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đường khởi nghiệp (DKN Group) làm đơn vị vận hành.

Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Long PNJ hoạt động ngày 15/03/2019 do ông Lý Minh Tâm làm người đại diện pháp luật, công ty có trụ sở chính tại số 12 đường số 1 khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Long PNJ hoạt động chính trong các lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; hoàn thiện công trình xây dựng…

Các sản phẩm tại dự án Làng Pháp Bảo Lộc Resort & Spa có giá bán trên thị trường từ 22,5 – 45 triệu đồng/m2.