Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển bền vững trong thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của lĩnh vực này.

Mới đây, tại hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhận định các yếu tố giúp phát triển bền vững TMĐT trong nền kinh tế số gồm: hoàn thiện chính sách tạo môi trường pháp lý thông thoáng, đảm bảo môi trường công nghệ và thương mại lành mạnh, an toàn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, phát triển nguồn nhân lực số và tăng cường vai trò của phụ nữ...

Tìm giải pháp phát triển bền vững thương mại điện tử tại Việt Nam
Các doanh nghiệp TMĐT cần chú trọng chiến lược phát triển bền vững để tồn tại lâu dài. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, trong báo cáo “Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số”, do Lazada và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, xác định 4 “trụ cột” gồm: phát triển kinh doanh bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Như vậy, yêu cầu về phát triển bền vững TMĐT ngày càng cụ thể và mở rộng hơn, không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi bảo vệ môi trường, giảm phát thải,… mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như cạnh tranh lành mạnh, chăm sóc nhân lực kế thừa, quản lý an ninh dữ liệu,…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhìn nhận, xu hướng chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững là điều tất yếu, đem lại lợi ích lâu dài cho cả hệ sinh thái TMĐT, bao gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà phân phối, người tiêu dùng,…

Một minh chứng trong số đó là, trong năm 2022, Shopee đã giúp người dùng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tiết kiệm tổng cộng 1,7 tỉ USD khi mua sắm hàng hóa và nhu yếu phẩm trên nền tảng, đồng thời hỗ trợ các người bán hàng từ 200 địa phương trên khắp khu vực bắt đầu hành trình kinh doanh trực tuyến, theo báo cáo “Shopee Đồng hành: Kiến tạo khả năng phục hồi bằng công nghệ”.

Dù vậy, quá trình này không chỉ xảy ra trong thời gian ngắn mà cần một chiến lược phát triển đồng bộ, lâu dài, tích hợp vào mô hình kinh doanh lõi. Theo đó, doanh nghiệp cần có sự đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics, con người, đặc biệt là trách nhiệm đối với xã hội cần được chú trọng, nâng cao hơn.

Về kinh doanh, TMĐT bền vững tạo ra nhiều giá trị hơn cho các bên liên quan thông qua việc xây dựng cộng đồng với các giá trị được cộng hưởng từ đối tác (thanh toán, vận hành, logistics...), doanh nghiệp (nhà bán hàng và thương hiệu) và người tiêu dùng.