Hồi sinh sau đại dịch

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) 5 tháng đầu năm nay, các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đều đã nỗ lực chạy hết công suất chế biến, tổng giá trị XK đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường XK lớn bù đắp cho hơn 3 năm ngành cá tra bị tổn thương nặng nề do Covid-19.

Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, tính đến hết tháng 5/2022, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt hơn 317 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước. Cuộc chạy đua ngăn Covid-19 tại một số điểm nóng, trong đó có Thượng Hải, các cảng hàng hóa lớn, nhà máy phải đóng cửa đã ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi hàng hóa của nội bộ quốc gia nước này.

Chính vì vậy mà trong quý 1/2022, NK cá thịt trắng của Trung Quốc giảm mạnh, trong đó khối lượng NK cá minh thái từ Nga giảm 60%. Nhưng cho tới hết tháng 5/2022, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông vẫn tăng trưởng dương liên tiếp ba con số. Tới nay, giá cá tra phile XK trung bình sang Trung Quốc dao động từ 3,15 - 3,25 USD/kg, cao hơn 0,5 USD/kg so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, có gần 100 DN cá tra Việt Nam tham gia XK sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông.

Xuất khẩu cá tra khởi sắc sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Xuất khẩu cá tra khởi sắc sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Tại thị trường Mỹ, 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 310 triệu USD, tăng 131%. Trong đó, riêng tháng 5/2022, giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 69 triệu USD, tăng 114%. Giữa tháng 5/2022, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ra thông báo công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, XK sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ nâng tổng số nhà máy được công nhận lên con số 19.

Cho tới nay, XK cá tra sang thị trường Mỹ vẫn đang ổn định tốt. Theo số liệu thống kê mới nhất của ITC, tới cuối tháng 4/2022, giá cá tra đông lạnh NK của Mỹ từ Việt Nam đã lập thêm đỉnh mới đạt gần 5 USD/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 2 USD/kg. Đây là mức giá tăng mạnh chưa từng có trong 3 năm trở lại đây.

Còn tại các nước thành viên thuộc Hiệp định CPTPP, XK cá tra đông lạnh sang Mexico, Canada, Australia và Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tính đến hết tháng 5/2022, CPTPP là khối thị trường XK lớn thứ 2 của các DN XK cá tra Việt Nam (sau Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ).

Nhu cầu NK cá tra từ các nước trong khối liên tục tăng trưởng trong 5 tháng liên tiếp với giá trị đạt 146,5 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK sang Mexico đạt 51,8 triệu USD, tăng 71%; Canada đạt 27,5 triệu USD - tăng 86%; Australia đạt 16,5 triệu USD - tăng 29%; Nhật Bản đạt 14,6 triệu USD - tăng 64%. Dự báo trong quý II/2022, XK cá tra đông lạnh sang khối thị trường này tăng hơn 35% so với quý trước - đạt khoảng 110 triệu USD.

Ngoài ba thị trường XK lớn trên, 5 tháng đầu năm 2022, XK cá tra sang EU, Thái Lan, Brazil, Anh, Colombia, Ai Cập vẫn tăng trưởng tốt. Tổng giá trị XK sang EU đạt 88,6 triệu USD, tăng 89%; sang Thái Lan tăng 85%; Brazil tăng 51%...

Chiều ngược lại vào 6 tháng cuối năm

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ngư dân tiếp tục gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí các chuyến đánh bắt thủy sản, đặc biệt đối với các tàu đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác biển trong tháng ước đạt 341,3 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ với báo Công Thương, TS.Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho hay, hiện tại giá cá tra cỡ 0,8 – 1 kg/con có thể xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ, EU được thì rơi vào mức 28.000 – 29.000 đồng/kg, còn với cá tra khoảng từ 1,1 – 1,3 kg/con thì giá chỉ còn 27.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành thấp nhất cũng phải 27.000 đồng/kg. Với mức giá cá tra hiện nay cũng làm cho một số hộ nuôi chậm thả giống. “Theo dự báo thị trường xuất khẩu vẫn tốt, nhưng với mức giá bán cá tra như hiện nay đang làm khó cho các hộ nuôi và doanh nghiệp”, ông Dương Nghĩa Quốc chia sẻ.

SSI Research cũng cho rằng, dù giá bán bình quân dự kiến sẽ tăng trở lại, nhưng sẽ không đạt được mức cao nhất trong quý 2/2022 nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu yếu đi trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm đi do giá hàng hóa đã ở mức cao nhất. Do đó, SSI tin rằng tăng trưởng lợi nhuận của Vĩnh Hoàn đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Nam Việt cũng ghi nhận doanh thu trong tháng 6 thấp nhất trong quý II đạt 368 tỷ đồng và lỗ 2 tỷ đồng sau thuế.

Xuất khẩu cá tra bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi
Xuất khẩu cá tra bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi. Ảnh minh họa

Theo VASEP, trong 2 tháng trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đã bắt đầu chậm lại. Xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn sang Mỹ trong tháng 6 giảm sâu tới 59% so với tháng 5 còn 330 tỷ đồng.

“Có thể trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn so với các quý trước”, VASEP nhận định. Lý do là bởi, lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ. Tháng 6/2022, giá thực phẩm tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng trung bình năm lớn nhất kể từ năm 1981. Theo dữ liệu mới từ IRI và 210 Analytics, giá cá tra tại Mỹ cũng tăng khoảng 22%.

Tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích, doanh số bán thủy sản đông lạnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát gia tăng, nhưng không nghiêm trọng bằng doanh số bán hàng tươi sống. Kho hàng thủy sản nhập khẩu Mỹ vẫn còn đầy.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cá tra đang lo ngại khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì quy định kiểm tra chặt dấu vết Covid-19 trên thuỷ sản nhập khẩu. Thực tế, đã có một số doanh nghiệp bị trả hàng về và bị tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này vì lý do Covid-19. Mặc dù một số thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải đã mở cửa trở lại, nhưng chính sách “Zero Covid” vẫn còn là trở ngại lớn với doanh nghiệp Việt Nam.