Thị trường BĐS phía Đông thủ đô điểm sáng cho nhà đầu tư
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết một thực tế không thể phủ nhận là khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội đã không còn quỹ đất để phát triển dự án. Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, riêng trong năm 2022, 70% nguồn cung căn hộ mới của thị trường đến từ các dự án quy mô lớn, là các đại đô thị ở khu vực phía Đông và phía Tây thủ đô. Đây là 2 khu vực hưởng lợi lớn từ hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, bài bản trong suốt thời gian qua là là các tuyến đường vành đai, đường sắt trên cao được đẩy mạnh triển khai.
Phía Tây thủ đô đã có quá trình phát triển “nóng” trong suốt hơn một thập kỷ qua và vẫn đang tiếp tục phát triển. Ngoài ra, Hà Nội đang chứng kiến sự phát triển mạnh hơn về phía Đông. Sự phát triển này được đặt trên các bệ phóng hạ tầng là tuyến đường Vành đai 2, cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, nút giao Cổ Linh, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng...
Cũng theo ông Đính, trong một vài năm tới, theo quy hoạch, những cây cầu lớn, những tuyến vành đai lớn đang dần thành hình như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành trong năm 2023), tuyến Vành đai 3,5; Vành đai 4, cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Ngọc Hồi sẽ tạo lực đẩy giúp khu Đông trở thành một khu vực đắc lực của Thủ đô Hà Nội về mua bán chung cư và bán nhà đất.
Hạ tầng giao thông phát triển đã rút ngắn khoảng cách từ phía Đông đến trung tâm thành phố, các khu vực lân cận và thúc đẩy quá trình thông thương. Đây cũng là tiền đề để khu Đông đón làn sóng dịch chuyển cư dân. Sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học khiến bất động sản khu Đông trở nên hấp dẫn. Khu vực phía Đông đang trở thành khu vực nhiều tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư.
Khu vực phía Đông có lợi thế về quỹ đất lớn, mật độ xây dựng chưa quá cao là nền tảng hình thành các khu đô thị xanh, thông minh, phát triển theo mô hình tích hợp. Các khu đô thị đó được đầu tư công phu với môi trường cảnh quan và đầy đủ các nhu cầu sống từ trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, công viên, hồ nước… Quỹ đất dành cho các hạ tầng tương đối lớn, tạo các không gian sống thoáng đãng, giảm mật độ nhà ở, dẫn đến có mức giá nhà của thị trường sơ cấp cao hơn. Thời gian qua, các dự án biệt thự, liền kề, các dự án chung cư nở rộ ở khu Đông Hà Nội.
Bà Bùi Thị Hương, Trưởng phòng Dự án chiến lược, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đánh giá các yếu tố: sự đầu tư vào hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, thu nhập người dân tăng cao, sự tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ của dòng vốn FDI kéo theo lượng lớn các chuyên gia, kỹ sư, nhân sự chất lượng cao là nền tảng thúc đẩy nhu cầu mua nhà ở, kinh doanh thương mại, dịch vụ. Các yếu tố này khẳng định tiềm năng của bất động sản Hà Nội nói riêng và Việt Nam còn rất lớn. Kinh tế đi lên, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bài bản tạo đà cho sự tăng trưởng của bất động sản.
Trong thời gian tới, những bất động sản phục vụ nhu cầu thực đã và đang triển khai hoàn thiện, mức giá sẽ không đi xuống, mà sẽ có sự ổn định. Đây là sự tăng trưởng bền vững, đi cùng với sự tăng trưởng của hạ tầng, kinh tế, không có sự đẩy ảo giá của các chiêu trò. Những khó khăn thời gian qua là tiền đề để thị trường trở lại thế cân bằng, mức giá của sản phẩm cũng không còn bị đẩy ảo, có xu hướng dần tiệm cận với giá trị thực. Bà Hương nhấn mạnh, thời điểm hiện tại là cơ hội để mua bất động sản với người có nhu cầu mua ở thực hoặc nhà đầu tư mua với mục đích dài hạn, cho thuê.
Tất nhiên, điều mà nhà đầu tư cần phải lưu ý là việc lựa chọn mua, đầu tư dự án nào. Những dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch, chú trọng phát triển không gian sống xanh và chuỗi tiện ích, dịch vụ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực, tiến độ nhanh chóng và có các chính sách bán hàng phù hợp sẽ cos sức hút trên thị trường. Đây cũng là một lựa chọn để nhà đầu tư và người mua thực có thể cân nhắc bởi tiềm năng tăng giá trong tương lai và khả năng đáp ứng các nhu cầu sống.