Thị trường bất động sản 2023:

Bài toán dòng vốn

Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn đưa ra kết quả một khảo sát tâm lý người dùng năm 2022, hơn 1.000 khách hàngkhi được hỏi về dự báo biến động giá bất động sản trong năm 2023, chỉ khoảng 10% người dùng có quan điểm giá nhà đất sẽ giảm trong năm 2023.

Hơn 84% đáp viên còn lại đều nhận định, giá bất động sản sẽ vẫn diễn tiến xu hướng tăng trong năm tới. Trong số đó, nhóm người dùng nhận định giá nhà sẽ còn tăng thêm từ 5-10% chiếm đến 40%; 23% thì cho rằng mức tăng có thể cao hơn 10% và chỉ có 17% phán đoán giá nhà sẽ tăng trong biên độ nhẹ dưới 5%.

Tương tự, một khảo sát được thực hiện với nhóm đối tượng là môi giới bất động sản tại TPHCM và Hà Nội cũng cho ra kết quả, 29% môi giới tại Hà Nội nhận định giá bất động sẽ tăng, 33% trong số đó cho rằng giá nhà sẽ đi ngang. Còn với thị trường TPHCM, 33% môi giới chọn bất động sản vẫn tăng giá, 29% cho rằng sẽ đi ngang trong năm 2023.

Thị trường bất động sản 2023: Hứa hẹn khởi sắc cho một chu kỳ mới
Chỉ khoảng 10% người dùng có quan điểm giá nhà đất sẽ giảm trong năm 2023.

Bàn về vấn đề giá nhà năm 2023, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng, rất khó để giá nhà sơ cấp giảm trong bối cảnh mọi chi phí phát triển dự án đều đang tăng. Giai đoạn 2012 -2013, thị trường khủng hoảng do thừa sản phẩm, cung nhiều – cầu ít dẫn đến giá nhà lao dốc 20-30%.

Tuy nhiên, đối với thị trường hiện tại, vấn đề lớn nhất là sự thiếu hụt sản phẩm chào bán, không có chuyện thừa cung, thiếu cầu mà ngược lại, nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn nhưng nguồn cung khan hiếm. Do đó, dù tính thanh khoản kém thì giá sơ cấp vẫn sẽ khó giảm.

Số liệu báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn chỉ ra, trong quí 4-2022 tỷ lệ tiêu thụ căn hộ tại TPHCM ghi nhận mức thấp kỷ lục với chưa đến 25% (trên tổng số 470 căn hộ chào bán). Dù thanh khoản giảm mạnh, giá bán vẫn giữ thế đi ngang trong 3 tháng cuối năm, thậm chí vẫn tăng 3-4% nếu so với quí 1-2022. Riêng với loại hình nhà phố tại TPHCM, giá bán trong quí 4-2022 tăng gần 16%, giá nhà riêng nhiều khu vực nội thành thậm chí còn tăng 25-29% so với thời điểm đầu năm.

“Bên cạnh đó, các yếu tố quyết định giá bán như chi phí vật liệu xây dựng, nhân công, tiền sử dụng đất, thuế phí… đều đang tăng. Sắp tới đây, luật đất đai sẽ đưa giá đất sát giá thị trường, giá nhà cũng vì vậy sẽ phải điều chỉnh theo nên rất khó để chủ đầu tư giảm giá bán. Giá bất động sản phụ thuộc vào cung cầu của thị trường, thực tế hiện nay là cầu nhiều nhưng cung thiếu, giá bất động sản sẽ khó giảm”, ông Tuấn nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản năm nay phát triển với 4 điểm bất thường. Trong đó, thị trường đã và đang điều chỉnh rất mạnh sau 3 năm tăng nóng; cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều; đầu cơ giá tăng và cuối cùng là tâm lý đám đông vẫn còn nặng nề.

Ông Lực cho rằng, hiện nay có nhiều vấn đề tác động lớn đến thị trường bất động sản, câu chuyện nguồn vốn đang nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường. Do đó, 3 vấn đề vốn, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản cần tập trung của nền kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với câu chuyện vốn tại thị trường bất động sản, mặc dù nguồn vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản năm qua vẫn tăng 15%, song do tăng quá nhanh trong quý I, quý II nên quý III phải "phanh gấp". Mặt khác, do nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong năm lớn, trong khi kênh trái phiếu doanh nghiệp không phát triển, phát hành giảm đã dồn áp lực vốn cho hệ thống ngân hàng.

Mặc dù vậy, theo ông Lực, vốn nước ngoài đổ vào bất động sản tương đối tốt, khoảng hơn 4 tỷ USD cho đến thời điểm hiện nay. Trong đó, hơn 2 tỷ USD là M&A và gần 2 tỷ USD là vốn góp cổ phần.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sớm được thông qua, sẽ xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi cho thị trường, vốn nước ngoài tiếp cận kênh trái phiếu DN BĐS có thể hỗ trợ thị trường khởi sắc. Các chính sách mới sắp được ban hành hứa hẹn sẽ từng bước đẩy lùi khó khăn, đưa thị trường địa ốc sớm trở lại trạng thái “trời quang mây tạnh”.

Còn theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, bài toán dòng vốn chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay.

Bởi theo ông Đính, trên thực tế, các chuyên gia bất động sản cho biết: Phần lớn các doanh nghiệp phát triển bất động sản hiện nay chỉ có sẵn khoảng 20% tiền mặt để giải phóng mặt bằng, còn lại 80% số tiền phát triển dự án là phải đi vay, trong đó, hai kênh dẫn vốn quan trọng nhất là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu bất động sản.

Song trong năm nay, cả hai kênh dẫn vốn này đều bị siết chặt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn buộc phải dừng, giãn tiến độ hoặc hoãn dự án. Trong khi đó, người mua bất động sản cũng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bị hạn chế nhu cầu vay do lãi suất ngân hàng tăng mạnh.

Thị trường bất động sản 2023 khôi phục

Cũng theo ông Đính, nền kinh tế trong và ngoài nước đang gặp phải những khó khăn nhất định, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Lạm phát tăng cao gây áp lực lên giá đầu vào các dự án: Chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu... Ngược lại, bất động sản không thể tăng giá vì không bán được hàng. Điều này gây ra sức ép lớn cho thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay.

Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, sang quý II và quý III/2023, thị trường sẽ dần phục hồi. Trong đó, bất động sản công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục là “điểm sáng” của thị trường.

Số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cả nước ở mức 90%, giá thuê tăng 5% theo quý. Một số loại hình mới như bất động sản công nghiệp may đo gồm nhà xưởng, nhà kho…còn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 95%, nâng vị thế cạnh tranh trực tiếp với các nước trong khu vực.

Lý giải nguyên nhân thực trạng này, giới chuyên gia cho rằng, ổn định chính trị và kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch là yếu tố then chốt. Bởi đây là mấu chốt quyết định mức hấp dẫn của Việt Nam với vốn đầu tư nước ngoài.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam hiện nay đang tập trung phát triển hạ tầng, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại, ưu đãi về thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thu hút người lao động nhờ một số Nghị định liên quan đến nhà ở xã hội trong khu công nghiệp, tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có về lực lượng lao động dồi dào.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang nắm nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực. Đơn cử là về giá thuê trong nước hiện vẫn ở mức tương đối thấp nếu đặt lên bàn cân với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc hay Ấn Độ…Chưa kể, nguồn lao động tại Việt Nam dồi dào, mức lương chi trả không quá cao.

Đặc biệt, với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, bất động sản công nghiệp sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết, nhóm các nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2023 đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần (logistics) chất lượng ngày càng cao. Đây là thách thức của các nhà đầu tư khi xây khu công nghiệp cho thuê trong thời gian tới.

Tháng 11/2022, khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Bộ Xây dựng có cuộc họp với các “ông lớn” BĐS phía Nam và Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) để tìm giải pháp gỡ khó cho thị trường, những tia hy vọng đã lóe lên. Ba nguồn cơn chính khiến thị trường rơi vào trì trệ là khát tín dụng, lệch pha cung cầu và lệch pha sản phẩm, hạn chế phát hành trái phiếu riêng lẻ đã được nhiều DN kiến nghị tháo gỡ.

Khi dòng tiền đổ vào lĩnh vực địa ốc không đủ để tạo lực đẩy trên thị trường, tất yếu thanh khoản sẽ gặp khó, doanh nghiệp và nhà đầu tư lao đao. Năm 2022, câu chuyện khát vốn đã trở thành một chủ đề nóng được bàn thảo trên các diễn đàn, toạ đàm. Đó cũng được coi là nút thắt quan trọng tác động đến sự nóng, lạnh hay phát triển bình ổn của bất động sản.

Ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) nhận định, điểm khó khăn chính của thị trường chính là vấn đề tín dụng và các kênh dẫn vốn cho bất động sản bên cạnh điểm nghẽn pháp lý.

Bước sang năm 2023, giới chuyên gia và đầu tư kỳ vọng về dòng vốn mới sẽ đổ bộ vào thị trường, giúp xoá đi gam màu trầm đang bao phủ.

Ông Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, năm 2023, triển vọng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc khả quan.

Đầu tiên, theo ông Chung, tín dụng tốt hơn 2022. Dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, một số chỉ tiêu vĩ mô đã có những dấu hiệu rất tích cực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023. Quyết định mới nhất việc nới hạn mức (room) tín dụng thêm 1,5-2%, sẽ có 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế kể từ nay đến hết năm.

Thứ hai, ông Chung nhận định, trái phiếu sẽ dần phục hồi.

Thị trường bất động sản 2023: Hứa hẹn khởi sắc cho một chu kỳ mới

Thứ ba, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.

Thứ tư, nguồn vốn đầu tư công cam kết tăng mạnh. Theo ông Chung, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Áp lực lớn, nhưng nếu thực thi hiệu quả, sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế.

Thứ năm, vị chuyên gia này cho rằng, với các nguồn vốn khác về cơ bản, không có biến động mạnh và ở mức ổn định như năm 2022: Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn, phải điều chỉnh bị động năm 2022; các nhà đầu tư tiềm năng vẫn ổn định; kiều hối tiếp tục ổn định; các luồng tiền phái sinh tiếp tục xuất hiện, phục hồi cùng với đà phục hồi kinh tế sau COVID-19.

Ngày 17/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS. Tiếp đó, ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở. Lần này, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, người dân, DN, chủ thể có liên quan chung sức, đồng tâm, hợp lực để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển đúng quy luật, hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.