Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ Anthony Fauci cho rằng nước này đang chứng kiến mức tăng số ca mắc mới COVID-19 “gần như thẳng đứng” do sự lây lan của biến thể Omicron
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ Anthony Fauci cho rằng nước này đang chứng kiến mức tăng số ca mắc mới COVID-19 “gần như thẳng đứng” do sự lây lan của biến thể Omicron

Số ca hồi phục là 254.525.826 ca. Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận khoảng 823.362 ca mắc và 2.949 ca tử vong.

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 88,74 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 84,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 66,43 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,86 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 9,87 triệu ca và châu Đại Dương trên 627.000 ca nhiễm.

Mỹ: Số ca mắc mới tăng gần như thẳng đứng

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 56.052.638 người, trong đó có 847.300 ca tử vong.

Mỹ đang trải qua đợt tăng ca nhiễm nhanh chưa từng thấy. Theo TTXVN, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ Anthony Fauci cho rằng nước này đang chứng kiến mức tăng số ca mắc mới COVID-19 “gần như thẳng đứng” do sự lây lan của biến thể Omicron. Ông nhấn mạnh, tốc độ lây nhiễm hiện nay là “thực sự chưa từng có tiền lệ”. Tuy nhiên, ông Fauci cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy độc lực của Omicron không mạnh bằng các biến thể trước đó và tỉ lệ nhập viện cũng như tử vong tại Mỹ những tuần gần đây thấp hơn nhiều so với các làn sóng COVID-19 trước đó.

Theo chuyên gia này, việc biến thể Omicron lây lan nhanh chóng rồi lại giảm mạnh tại Nam Phi cuối năm ngoái cho thấy có cơ sở để hy vọng. Tuy nhiên, với việc học sinh Mỹ sẽ trở lại trường học từ ngày 3/1 sau kỳ nghỉ cuối năm, ông Fauci tiếp tục kêu gọi các phụ huynh bảo đảm cho mình được tiêm vaccine, sử dụng khẩu trang và xét nghiệm nếu cần thiết. Chuyên gia dịch tễ này cảnh báo vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng gia tăng số ca nhập viện tại Mỹ, qua đó gây áp lực cho hệ thống y tế do số lượng bệnh nhân COVID-19 mới quá cao.

Làn sóng mới lây lan chóng mặt tại Ấn Độ

Theo tờ Hindustan Times, làn sóng dịch COVID-19 hiện nay ở Ấn Độ đang lây lan với một tốc độ chóng mặt, vượt qua tất cả các làn sóng dịch trước, kể cả làn sóng dịch nghiêm trọng thứ 2 hồi đầu Hè năm ngoái. Đây là dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch COVID-19 mới nhất này với sự xuất hiện của biến thể Omicron đang diễn biến nhanh chóng ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới, giống như xu hướng ở nhiều quốc gia khác.

Giới chức y tế Ấn Độ ngày 2/1 cho biết trong 24 giờ trước đó, nước này ghi nhận 27.533 ca mắc COVID-19 mới và 284 ca tử vong. Số ca nhiễm biến thể Omicron hiện nay là 1.525 ca và biến thể này đã lây lan trên 23 bang. Maharashtra là bang có nhiều ca nhiễm Omicron nhất với 460 ca, tiếp đó là New Delhi với 351 ca.

Theo báo cáo của cơ quan y tế, trong tuần lễ tính đến ngày 25/12/2021, số ca mới trung bình mỗi ngày ở Ấn Độ là 6.641 ca. Điều này đồng nghĩa chỉ trong một tuần, tỉ lệ ca mắc mới đã tăng vọt 175%. Đây là mức tăng theo tuần cao nhất kể từ ngày 9/4/2000, vượt qua cả mức tăng đỉnh dịch trong làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 khi mức tăng vào khoảng 75%.

Báo cáo này ước tính với tốc độ tăng hiện tại, số ca mới hằng ngày ở Ấn Độ có thể lên đến mốc 36.000 ca trong 7 ngày tới. Nhưng các chuyên gia đang lạc quan rằng tình trạng lây nhiễm biến thể Omicron chủ yếu dẫn đến các ca nhẹ, không kéo căng hệ thống y tế như kịch bản tồi tệ đã từng xảy ra ở làn sóng dịch thứ 2.

Thế giới hiện có tất cả công cụ và nguồn lực để chấm dứt đại dịch

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lạc quan rằng đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong năm 2022 nếu tỉ lệ tiêm chủng vaccine toàn cầu tăng và các nước cùng hợp tác để kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Trong một tuyên bố ngày 31/12, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus khẳng định thế giới hiện có tất cả công cụ và nguồn lực để chấm dứt đại dịch mà ông gọi là “thảm họa”. Ông nhấn mạnh, nếu có lựa chọn đúng đắn, thế giới có thể khiến đại dịch đảo chiều,

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cảnh báo chủ nghĩa dân tộc và hiện tượng tích trữ vaccine của một số nước có thể phá hoại sự công bằng và đã tạo điều kiện cho biến thể Omicron xuất hiện. Chừng nào tình trạng bất bình đẳng về vaccine còn tiếp tục, càng có nguy cơ virus phát triển đến mức không thể ngăn chặn hoặc dự đoán được. Ông kêu gọi chấm dứt tình trạng bất bình đẳng vaccine để chấm dứt đại dịch, và một trong những mục tiêu của năm mới là tiêm chủng cho 70% dân số thế giới đến giữa năm 2022.