Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết
Cán bộ Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu thực phẩm tại chợ An Đông, quận 5 để kiểm tra các chất tồn dư.

Sau 4 tháng tạm ngưng vì dịch Covid-19, ngày 1-11-2021, chợ đầu mối nông sản - thực phẩm Bình Điền (quận 8) hoạt động trở lại, nhưng lượng hàng qua chợ mỗi ngày chỉ khoảng 170 tấn. Tuy nhiên, khu vực bên ngoài chợ lại hoạt động nhộn nhịp, với gần 500 tấn hàng trao đổi hằng ngày. Nhưng hàng hóa mua bán trao đổi tại các chợ tạm này không được quản lý chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Trần Ngọc Anh Thư (ở quận 8) nhận xét: "Thực phẩm từ các chợ tạm xung quanh chợ đầu mối sẽ được đưa về các chợ bán lẻ trong thành phố, trong khi chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm. Có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu không tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm".

Trước thực trạng trên, các sở, ngành chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường nắm bắt toàn diện các vấn đề và thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố đã có kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. Theo đó, các nội dung kế hoạch được thực hiện nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao…

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Ba cho hay, đơn vị đã lên kế hoạch kiểm tra nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, như: Quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống; đặc biệt chú ý đến các sản phẩm được sử dụng để làm quà tặng.

Trong khi đó, theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Việc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, đơn vị chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. "Chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra an toàn thực phẩm từ các đầu mối cung ứng lớn như các nhà sản xuất, chợ đầu mối, chuỗi bán lẻ lớn...", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 với nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nhiều, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp giám sát việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. "Sở đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức chủ động tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn được bày bán tại chợ và triển khai thực hiện có hiệu quả các điểm kiểm nghiệm nhanh cố định", ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin thêm.