1. Tài sản gắn liền với đất là gì?

Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Các loại tài sản gắn liền với đất (Ảnh minh họa)
Có 4 loại tài sản gắn liền với đất được cấp sổ đỏ, sổ hồng. Ảnh minh họa

Khoản 1 Điều 104 Luật Đất đai 2013 quy định: “Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Tài sản gắn liền với đất gồm những gì?

Khi đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ) thì người dân có thể đề nghị chỉ chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Căn cứ khoản 1 Điều 104 Luật đất đai năm 2013 số 45/2013/QH13 mới nhất áp dụng năm 2021 , tài sản gắn liền với đất gồm:

– Nhà ở:

Theo khoản 1 Điều 3 Luật nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014

Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Hiện nay nhà ở bao gồm các loại sau:

+Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.

+ Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

+ Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường.

+ Nhà ở công vụ là nhà ở được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác.

+ Nhà ở để phục vụ tái định cư là nhà ở để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, bị giải tỏa nhà ở.

+ Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở.

– Công trình xây dựng khác:

Căn cứ Điều 3 Luật xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 mới nhất áp dụng năm 2021

Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác.

Công trình khác quy định tại Luật Xây dựng và Nghị định 121/2013/NĐ- CP là những công trình không phải là nhà ở riêng lẻ;; không phải công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình Các công trình khác có thể là hàng rào, nhà bếp… hay các công trình xây dựng nhà hàng, khách sạn, nhà xưởng, nhà nghỉ thuộc vốn của tư nhân… mà không phải là nhà ở riêng lẻ; không phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình; không phải phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định trên.

Đất rừng là một trong những tài sản gắn liền với đất. Ảnh minh họa
Rừng trồng là một trong những tài sản gắn liền với đất. Ảnh minh họa

– Rừng sản xuất là rừng trồng:

Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: Rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư (vốn tự có, vốn vay, vốn liên doanh, liên kết không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) hoặc có hỗ trợ của nhà nước và các nguồn vốn khác

Căn cứ vào nguồn gốc hình thành, rừng sản xuất được phân loại theo các đối tượng sau:

+ Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: Rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; căn cứ vào trữ lượng bình quân trên một hecta rừng tự nhiên được phân loại thành: Rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng.

+ Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: Rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư (vốn tự có, vốn vay, vốn liên doanh, liên kết không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) hoặc có hỗ trợ của nhà nước và các nguồn vốn khác.

– Cây lâu năm:

Cây lâu năm là loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm

Loại cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu gồm:

+ Cây công nghiệp lâu năm: là loại cây trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm, sản phẩm được dùng để làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như cây cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu.

+ Cây ăn quả lâu năm: loại cây trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm, sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài

+ Cây dược liệu lâu năm: là loại cây trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm, sản phẩm làm dược liệu như cây hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm.

+ Cây lấy gỗ, cây bóng mát và cây cảnh quan lâu năm: là loại cây trồng một lần, sinh trưởng và phát triển trong nhiều năm như cây xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng

Loại cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu phải có các đặc tính như sau:

+ Cây gieo trồng một lần, cho thu hoạch sản phẩm (mà thân chính vẫn giữ nguyên) hoặc sử dụng làm cây lấy gỗ, cây cảnh quan, cây bóng mát, có thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng đến khi thanh lý trên năm (05) năm:

+ Thuộc một trong các nhóm cây sau: cây thân gỗ, cây thân bụi hoặc cây thân leo.

Trong đó:Cây thân gỗ là loại cây thân hóa gỗ, có kích thước khác nhau tùy loài.Cây thân bụi là loại cây thân có thể hóa gỗ, thân chính không có hoặc kém phát triển, cành nhánh phát triển từ gốc của thân chính.Cây thân leo là loại cây không mọc thẳng đứng được, phải dựa vào cây khác hay vật thể làm giá đỡ hoặc nhờ các cơ quan như rễ phụ, cành, tua cuốn, lá để bám leo lên.

3. Điều kiện để được công nhận quyền sở hữu nhà ở

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho ngươi có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất khi có căn cứ pháp lý. Việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013, theo đó, chủ sở hữu nhà ở phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở.

Cụ thể, theo Điều 8 Luật nhà ở 2014, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước được công nhận quyền sở hữu nhà ở khi có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức đầu tư xây dựng; mua, thuê mua; nhận tặng cho; nhận thừa kế; nhận góp vốn; nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hộ gia đình, cá nhân trong nước phải có một trong những loại giấy tờ tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013:

  • Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
  • Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 05 tháng 7 năm 1994;
  • Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;
  • Giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại các văn bản pháp luật qua các thời kỳ;
  • Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
  • Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ nêu trên, mà giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong những giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước 01/7/2006 có chữ ký của các bên liên quan và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 01/7/2006 mà không có giấy tờ về việc mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở đó.
  • Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ nêu trên thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhà ở hoàn thành xây dựng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 trở về sau thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006; trường hợp nhà ở thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại nhà ở đó.