Như Một Thế Giới đưa tin, hiện TP.HCM đang vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 16.2 đến hết ngày 15.3 nhằm chuẩn bị cho thu phí chính thức từ 1.4.

thu-phi-cang-bien_igbi.jpeg

TP.HCM sẽ chính thức thu phí cảng biển vào ngày 1.4 tới

Theo đó, các mức phí sẽ được thu như sau: với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft.

Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM thu 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont với container 40ft và 30.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft, 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Việc thu phí còn nhiều bất cập

Trước thông tin này, 7 hiệp hội doanh nghiệp gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) và Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính, Hội đồng nhân dân và UBND TP.HCM về việc chưa triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM.

Theo 7 hiệp hội ngành hàng, việc thu phí này đang tạo ra nhiều bất cập. Thứ nhất là thời điểm áp dụng chưa phù hợp, bởi lẽ từ 11.6.2021 đến cuối tháng 9.2021, đa số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi trả nhiều khoản chi như lương cho công nhân, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho... do không bán được hàng. Từ tháng 10-12.2021, đa số doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng được từ 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Đến đầu năm 2022, các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại gánh thêm nhiều chi phí như: cước vận tải biển, chi phí xăng dầu, giá nguyên liệu tăng cao... trong khi doanh nghiệp vẫn đang thiếu vốn, thiếu công nhân. Điều này đang khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM vào thời điểm này là chưa phù hợp vì sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh và cản trở việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Không chỉ bất cập về thời gian, những ngành hàng này còn cho rằng mức phí áp dụng chưa công bằng, chưa phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện. Cụ thể, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các lô hàng mở tờ khai hải quan ngoài TP.HCM phải chịu mức phí cao gấp đôi đối với các lô hàng mở tờ khai hải quan tại TP.HCM. Điều này chưa phù hợp, sẽ dẫn đến biến động lớn về việc dịch chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TP càng nhiều, gây quá tải số tờ khai nộp tới Hải quan TP.

Mức phí áp dụng đối với hàng gửi ở kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng rất cao so với các mức phí của hàng xuất nhập khẩu. Ví dụ, kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu nhưng bị áp phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao. Mức phí áp đối với container cao gấp 8,8 lần và hàng lỏng, hàng rời là 3,3 lần so với mức phí tương ứng của lô hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM.

Ngoài ra, việc sử dụng ngân sách thu được chưa được công khai, minh bạch và dẫn đến việc "phí chồng phí" đối với mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Theo TP.HCM, toàn bộ số thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM sau khi trừ chi phí phục vụ, công tác thu phí được nộp vào ngân sách TP để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn TP. Tuy nhiên, các hiệp hội cho rằng đến nay, dù đã sắp tới thời điểm bắt đầu thu phí nhưng TP.HCM vẫn chưa có thông báo công khai về việc sử dụng các mức phí này cho những công trình hạ tầng cụ thể nào.

Trong khi đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay các doanh nghiệp đều phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như các phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT... Chỉ tính riêng phí BOT, hiện nay doanh nghiệp đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.

Ví dụ, tính hiện tại từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP.HCM) đã có tới 7 trạm thu phí BOT. Mỗi cont phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về. Như vậy, tổng mức đóng phí qua 1 trạm là là 360.000 đồng/cont. Theo đó, 1 container hàng, doanh nghiệp đã trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng/cont… Như vậy trung bình mỗi năm, một doanh nghiệp thủy sản ở Khánh Hòa với 3.000 cont xuất khẩu/năm thì đã phải trả thêm 7,5 tỉ đồng/năm tiền phí trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí mới này, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP.HCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỉ đồng/năm.

Trong khi đó, hiện tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng rồi như: phí cầu tàu, phí lưu cont, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ cont… Các phí mới này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Không chỉ vậy, bất cập trong việc thu phí còn thể hiện ở việc đóng phí hai lần đối với các lô hàng xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Các hiệp hội cho biết, hầu hết các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu hai lần phí: một lần cho cont hàng nhập khẩu và một lần cho cont hàng xuất khẩu.

Có thể thấy, việc thu phí này chưa phù hợp khi doanh nghiệp đang phải trả rất nhiều chi phí phục vụ mục tiêu xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng của các địa phương, đồng thời đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Hiện nay, một lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu đang tập trung tại các cảng biển của TP.HCM. Các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Quy định thu phí mới này của TP sẽ gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Kiến nghị chưa thu phí trong năm 2022

Để đảm bảo tuân thủ định hướng của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19, các hiệp hội đề nghị Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính, Hội đồng nhân dân và UBND TP.HCM chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến hết 31.12.2022.

Đồng thời, điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống theo hướng công bằng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, không tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và gây ách tắc cho việc thực hiện thủ tục hành chính, nghĩa là áp dụng chung một mức thu là 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả các lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng.

"TP.HCM cũng cần công bố chính thức thời gian bắt đầu và kết thúc, cũng như kế hoạch sử dụng nguồn thu từ các khoản phí nói trên để đầu tư vào các công trình cụ thể nào trong từng năm cũng như công khai, minh bạch các khoản thu, chi, đảm bảo không sử dụng ngân sách thu từ các khoản này vào các hoạt động, các công trình không phục vụ hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu tại các cảng biển của các doanh nghiệp", 7 doanh nghiệp kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề thu phí cảng biển của TP.HCM, Bộ Công Thương ngày 1.3 cũng đã yêu cầu UBND TP.HCM cần phải tham khảo đầy đủ ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước đối tác.