Trong văn bản kiến nghị, UBND TP Nha Trang nhận định, căn cứ định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu chung TP Nha Trang đến năm 2040 đang lấy ý kiến cộng đồng thì khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang thuộc khu vực công viên ven biển.

Văn bản của UBND TP Nha Trang nêu rõ: Khu vực công viên ven biển cho phép tổ chức các điểm dịch vụ công cộng với mật độ xây dựng gộp tối đa 5%, đan xen trong không gian công viên để cung cấp dịch vụ, tiện ích cho người sử dụng bãi tắm, sử dụng công viên, tăng sự sống động, tần suất sử dụng công viên, nhưng vẫn không chia cắt không gian, đảm bảo khả năng liên kết liên tục dọc theo công viên.

Đồng thời, theo đồ án quy hoạch phân khu phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang thuộc quy hoạch đất công viên chuyên đề; với các chỉ tiêu mật độ xây dựng 10-15%, cao một tầng.

Dựa vào căn cứ trên, UBND TP Nha Trang cho rằng việc tồn tại một số công trình theo hiện trạng tại khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang để cung cấp dịch vụ, tiện ích cho người sử dụng bãi tắm, công viên là phù hợp với định hướng của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung.

TP Nha Trang cũng đề nghị có ý kiến góp ý của các sở chuyên môn về thủ tục đất đai, chấp thuận đầu tư dự án.

Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara mặt phía biển
Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara mặt phía biển. Ảnh: Phụ nữ TP HCM

Trước đó, sau gần 30 năm hoạt động, đầu tháng 7/2022 khu resort rộng hơn 28.000 m2 bị thu hồi mặt bằng ở bãi Dương, đường Trần Phú và chuyển tới dự án mới tại bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm).

Evason Ana Mandara Nha Trang là dự án che khuất tầm nhìn ra biển và cũng làm mất đi nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân, du khách ở và đến Nha Trang. Không ít người mong mỏi khu nghỉ mát này sớm được di dời trả lại bãi biển.

Sau đó, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Evason Ana Mandara - Công ty Sovico Khánh Hòa đã có văn bản trình tỉnh Khánh Hòa về phương án dừng đón khách lưu trú; cắt tỉa cây cối, tháo dỡ hàng rào. Đồng thời, doanh nghiệp cũng xin giữ lại một số danh mục tài sản công trình với kiến trúc phù hợp; giữ lại loại hình dịch vụ giải trí không lưu trú, sử dụng các tiện ích khác như hồ bơi, cây xanh…, điều này là “tận dụng tài sản thuộc sở hữu resort sẵn có để phục cộng đồng”.

Về vấn đề này, tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND TP Nha Trang phối hợp Sở Xây dựng xem xét, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.