Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhà ở xã hội là gì?

Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Căn cứ khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014.

Vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội được lấy từ ngân sách nhà nước, công trái, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước… Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, để cho thuê, cho thuê mua nhưng có sự ưu đãi của Nhà nước. Hộ gia đình cá nhân cũng có thể bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua trên diện tích thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình và cũng có sự ưu đãi của Nhà nước. Nhà ở xã hội có thể là nhà chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ, được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội.

Giá giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn nhà nước được xác định như sau:

Trường hợp cho thuê nhà ở thì giá thuê được tính đủ chi phí bảo trì nhà ở; chi phí thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 20 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê; đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên thuê thì chỉ tính đủ các chi phí quản lý vận hành và chi phí bảo trì, không tính chi phí thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở;

Trường hợp cho thuê mua nhà ở thì giá thuê mua được tính đủ chi phí thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua;

Không tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội;

Cơ quan nhà nước là đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội có quyền quyết định giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

(Căn cứ Điều 60 Luật Nhà ở năm 2014)

Giá bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư không sử dụng vốn nhà nước được xác định như sau:

Giá thuê nhà ở xã hội do chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ chi phí bảo trì nhà ở; chi phí thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), lợi nhuận định mức theo quy định của Chính phủ và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước;

Giá thuê mua nhà ở xã hội được xác định theo quy định tại điểm a khoản này, trừ kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp;

Giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), lợi nhuận định mức theo quy định của Chính phủ và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước.

(Điều 61 Luật Nhà ở năm 2014)

Quy định về đối tượng, điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như thế nào?

Những đối tượng được được hưởng chính sách về nhà ở xã hội

Theo Điều 49 Luật Nhà ở, những đối tượng sau đây được hưởng chính sách về nhà ở xã hội:

1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;

3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật Nhà ở;

9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;

10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Điều kiện để các đối tượng nêu trên được giải quyết bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội

Các đối tượng tại các mục 1, 4, 5. 6, 7, 8 và 10 nêu trên được giải quyết bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và phải đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;
  2. Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp quy định tại mục 9 phần trên.
  3. Đối với đối tượng quy định tại các mục 4, 5, 6 và 7 thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với đối tượng quy định tại các mục 1, 8, 9 và 10 thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định tại điểm này.

Hồ sơ, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

Người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội như sau:

  • Đơn đề nghị hồ trợ về nhà ở;
  • Giấy tờ chứng minh đáp ứng điều kiện về đối tượng, nơi cư trú, thu nhập…

Người có nhu cầu nộp hồ sơ cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư tiếp nhận hồ sơ và ký hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua với người có nhu cầu về nhà ở xã hội.