Theo một báo cáo xuất bản ngày 16/8 vừa qua, niềm yêu thích của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ với món trà sữa trân châu đã lan tỏa khắp Đông Nam Á và khiến ngành công nghiệp này chạm tới mức doanh thu tỷ USD, cụ thể là 3,66 tỷ USD trong năm 2021, Báo cáo được thực hiện bởi Momentum Works và startup thanh toán Qlub.

Cụ thể theo báo cáo này, trong năm ngoái, doanh thu ngành trà sữa Việt Nam lọt top 3 trong khu vực với 362 triệu USD, đứng sau thị trường hàng đầu là Indonesia với 1,6 tỷ USD và Thái Lan là 749 triệu USD.

Singapore, quốc gia đứng thứ 4 sau Việt Nam, mặc dù có diện tích nhỏ nhất nhưng lại có sức mua lớn nhất. Cụ thể, giá trung bình của một đơn hàng trà sữa trân châu tại Singapore là 3,9 USD/ly, cao hơn gần 2 lần so với mức trung bình trong khu vực (2 USD/ly). Nhờ đó, đảo quốc sư tử trở thành một điểm đến ưa thích của các thương hiệu thương hiệu trà sữa cao cấp, báo cáo cho biết.

Người Việt chi đến 362 triệu USD/năm cho trà sữa, đứng thứ 3 Đông Nam Á
Theo thống kê, trong năm 2021 vừa qua, doanh thu ngành trà sữa Việt Nam lọt top 3 trong khu vực Đông Nam Á với 362 triệu USD, chỉ đứng sau thị trường Indonesia và Thái Lan.

Mặc dù trà sữa là món đồ uống bắt nguồn từ Đài Loan (Trung Quốc) và ngành công nghiệp trà sữa trong khu vực cũng từng bị thống bị bởi các thương hiệu xứ Đài, tuy nhiên điều này đang đang dần thay đổi khi một loạt các thương hiệu Trung Quốc tiến vào thị trường Đông Nam Á.

Theo báo cáo, thị trường trà sữa trân châu ở Trung Quốc, ước tính có doanh thu hàng năm lên tới 20 tỷ USD, đã chứng kiến sự lớn mạnh của hàng loạt thương hiệu từ bình dân đến cao cấp. Một số cái tên như Mixue, Chagee hay Heytea đã thâm nhập vào Đông Nam Á, thách thức sự tồn tại của các đối thủ trước đó như Gong Cha và Koi. Ví dụ với Mixue, bằng chiến lược giá rẻ, kết hợp vừa tự mở chuỗi vừa nhượng quyền, thương hiệu này đã có hơn 1.000 điểm bán tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bên cạnh 20.000 cửa hàng tại Trung Quốc.

Mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành trà sữa không hề nhỏ, ước tính vào khoảng 60% đến 70%, tuy nhiên rất ít công ty có thể duy trì lợi nhuận khi hoạt động tại quy mô lớn, theo Momentum Works đánh giá.

Báo cáo lấy ví dụ về Nayuki, thương hiệu trà sữa phân khúc cao cấp có nguồn gốc Trung Quốc. Sau khi tiến hành IPO vào tháng 6/2021, Nayuki đã chứng kiến vốn hóa của mình bốc hơi hơn 70%, tính đến thời điểm tháng 7/2022.

Ông Sik Hoe Yong đến từ Qlub, một trong hai đơn vị tiến hành bản báo cáo này, nhìn nhận: "Nhiều người trẻ ở Đông Nam Á mong muốn ngày nào đó sẽ mở được một cửa hàng trà sữa của riêng mình. Mặc dù là món đồ uống mang về tỷ suất lợi nhuận cao, trà sữa thật sự là game khó vì có nhiều sản phẩm thay thế và khó gây dựng chuỗi cung ứng nếu phát triển ở quy mô lớn". Tuy nhiên, ông tin rằng tình yêu của người tiêu dùng đối với món trà trân châu là điều khó có thể thay đổi một sớm một chiều, mặc dù nhiều lúc người dùng có xu hướng ưu tiên chọn những món đồ uống khác để bảo vệ chiếc ví tiền của mình.