HAGL đặt kế hoạch lãi 1.130 tỷ đồng, không chia cổ tức năm 2022 và 2023
HAGL đặt kế hoạch lãi 1.130 tỷ đồng, không chia cổ tức năm 2022 và 2023

Theo đó, HAG dự trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với 5.120 tỷ đồng doanh thu, 1.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng nhẹ so với năm 2022. Trong chia sẻ gần nhất, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL xác định năm 2023 nguồn thu chủ yếu từ xuất khẩu chuối, mảng heo sẽ không kỳ vọng có lợi nhuận khi giá heo trên thị trường còn neo ở giá thấp.

Tập đoàn sẽ tiếp tục duy trì quy mô 7.000 ha chuối và 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi 600.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái, mỗi con heo nái sinh khoảng 25 con heo thịt mỗi năm.

HĐQT trình kế hoạch không chia cổ tức năm 2022 và 2023. Do báo cáo tài chính năm 2022 vẫn còn khoản lỗ lũy kế nên lợi nhuận 2022 được ưu tiên bù lỗ các năm trước và không phân phối.

Năm 2022, tập đoàn ghi nhận doanh thu 5.111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.125 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2022, Công ty còn lỗ lũy kế 3.341 tỷ đồng.

HAGL đặt kế hoạch lãi 1.130 tỷ đồng, không chia cổ tức năm 2022 và 2023

Tại BCTC kiểm toán 2022, lỗ lũy kế cùng tình trạng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

Đồng thời, kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế hơn 3.341 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn gần 1.180 tỷ đồng. Cũng vì lý do này, HoSE tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HAG.

Giải trình ý kiến kiểm toán, HAGL cho biết sang năm 2023, doanh thu từ trái cây và heo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và đem lại nguồn thu chính cho tập đoàn. Tại ngày lập BCTC hợp nhất, Tập đoàn đã lên kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Tập đoàn cho biết cũng đã đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay và việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. Do đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban tổng giám đốc tiến hành lập BCTC trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Mới đây, HAGL có báo cáo kết quả kinh doanh tháng 2. Doanh thu thuần 665 tỷ đồng, tăng gần 31% và lãi sau thuế 108 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với tháng trước. Toàn bộ lợi nhuận tháng 2 chủ yếu đến từ chuối, tương ứng mỗi ngày lãi 3,6 tỷ đồng.

Một số giao dịch đáng chú ý với các bên liên quan, HAGL năm qua:

+ Cho vay 20 tỷ với Chăn nuôi Gia Lai;

+ Cho vay hơn 20 tỷ và bảo lãnh khoản vay 300 tỷ đồng với Gia súc Lơ Pang. Trong đó, Lơ Pang đã chính thức trở thành công ty con của HAGL từ ngày 31/3/2022.

Lơ Pang là công ty được thành lập hồi tháng 6/2020, hoạt động chính là chăn nuôi và trồng cây ăn trái. Việc sáp nhập Lơ Pang và một công ty cùng ngành khác là Chăn nuôi Gia Lai đã được ĐHĐCĐ năm 2021 của HAGL thông qua. Trong đó, Lơ Pang hoạt động song song với Chăn nuôi Gia Lai, nếu Chăn nuôi Gia Lai là phía đông thì Gia súc Lơ Pang là đảm nhận phía Nam.

+ Tại Hưng Thắng Lợi Gia Lai, HAGL đang cho vay 859,5 tỷ đồng, bảo lãnh 2 khoản vay với tổng giá trị 900 tỷ đồng.

Cuối cùng là HAGL Agrico (HNG), năm qua phía HNG đã trả cho HAGL hơn 600 tỷ, dư nợ còn lại vào khoảng 1.500 tỷ đồng.