Chiều 1/7, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tiêu hủy 18 tấn hàng giả, trị giá trên 3 tỷ đồng.

Hàng hóa bị tiêu hủy đợt này gồm: 30kg thuốc lá, bộ hút thuốc lá điện tử; 13,8 tấn thực phẩm, thực phẩm chức năng, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; 110 bình khí N20 (1,3 tấn); 1 tấn rượu không rõ nguồn gốc; 1,5 tấn găng tay cao su, khẩu trang, quần áo, giầy dép; 370kg trụ bơm xăng dầu, bật lửa, nhiệt kế, máy xoa bóp, camera...

Hà Nội: Phát hiện, tiêu hủy 18 tấn hàng giả, hàng cấm lưu hành
Hà Nội: Phát hiện, tiêu hủy 18 tấn hàng giả, hàng cấm lưu hành

Chia sẻ với báo chí, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, hàng hóa vi phạm nằm trong diện tiêu hủy lần này là các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu, hàng cấm lưu hành và sản phẩm gây hại cho sức khỏe, môi trường… lưu thông trên thị trường, bị thu giữ từ đầu năm đến nay.

Hội đồng xử lý tiêu hủy tang vật tịch thu, Cục QLTT Hà Nội đã lựa chọn hình thức tiêu hủy phù hợp, bảo đảm đúng quy định và vệ sinh môi trường. Các mặt hàng khô được tiêu hủy bằng cách nghiền nát và cho vào lò đốt. Loại hàng hóa là rượu được đổ vào hệ thống xử lý hóa chất...

Dưới sự giám sát của các thành viên hội đồng và các đơn vị liên quan, toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu đã được tiêu hủy theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hàng cấm gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam. Như vậy, hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam không còn là hàng cấm. Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thì áp dụng quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan để xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ hơn về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua việc bổ sung quy định về căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.