Bé Q.A (3 tuổi, TP Hà Nội), xuất hiện tình trạng đau bụng từng cơn dữ dội vùng thượng vị kèm nôn khan. Gia đình đã đưa trẻ đến khám tại bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán rối loạn tiêu hoá. Trẻ được cho nhịn ăn, truyền dịch, thụt hậu môn tuy nhiên các triệu chứng không cải thiện, thậm chí tình trạng đau bụng của trẻ tăng lên. Ngay sau đó, trẻ được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục thăm khám và điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ThS.BS Lê Quang Dư – Khoa Ngoại Tiêu hoá, Trung tâm Ngoại Tổng hợp cho biết, bé Q.A nhập viện trong tình trạng quấy khóc, đau bụng nhiều vùng thượng vị, nôn khan, nôn dịch không có dịch mật và chướng bụng tăng dần. Trẻ được tích cực truyền dịch bù nước – điện giải, đặt sonde dạ dày và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để xác định nguyên nhân gây bệnh như siêu âm, nội soi, chụp X-Quang, Cộng hưởng từ, Cắt lớp vi tính 128 dãy,…Kết quả trẻ được chẩn đoán bị tắc ruột, dạ dày giãn to, nghi ngờ do xoắn dạ dày và chỉ định mổ cấp cứu ngay sau đó.

TS.BS Trần Anh Quỳnh – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá, Trung tâm Ngoại tổng hợp cùng đồng nghiệp đang phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC
TS.BS Trần Anh Quỳnh – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá, Trung tâm Ngoại tổng hợp cùng đồng nghiệp đang phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Dạ dày của trẻ xoắn 180 độ quanh trục tạng, dạ dày xoay dọc theo trục dài và bị tắc, bờ cong lớn bị đẩy lên trên và bờ cong nhỏ nằm xuống dưới hơn trong ổ bụng. Các bác sĩ đã khẩn trương tháo xoắn và khâu cố định dạ dày vào thành bụng để tránh hiện tượng tái xoắn sau này. Sau gần hai giờ phẫu thuật, trẻ đã có thể rút ống nội khí quản, tự thở hoàn toàn. Triệu chứng giảm rõ rệt vào ngày thứ 2 sau phẫu thuật, trẻ hết đau bụng, ăn được sữa và đi ngoài bình thường. Trẻ xuất viện vào ngày thứ 4 sau phẫu thuật.

Trẻ được bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC
Trẻ được bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Theo TS.BS Trần Anh Quỳnh – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá, Trung tâm Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương: Xoắn dạ dày là tình trạng xoay xoắn bất thường của một phần dạ dày quanh phần còn lại của nó, từ 180 độ đến 360 độ. Xoắn dạ dày được chia theo hai loại chính: Xoắn theo trục tạng và xoắn theo trục mạc treo.

Đây là một bệnh lý rất hiếm gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trên 12 tháng tuổi và không kèm các bệnh lý khác. Bệnh nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời có thể gây thiếu máu dạ dày, dẫn đến thủng, hoại tử toàn bộ dạ dày, thậm chí gây tử vong.

Hình ảnh xoắn dạ dày theo trục tạng và trục mạc treo. Ảnh: BVCC
Hình ảnh xoắn dạ dày theo trục tạng và trục mạc treo. Ảnh: BVCC

Nguyên nhân gây ra tình trạng xoắn dạ dày thường do bất thường các dây chằng cố định dạ dày như trường hợp của bé Q.A, hoặc có thể gặp ở trẻ bị thoát vị hoành hay thoát vị qua khe thực quản. Biểu hiện thường gặp của bệnh ở trẻ lớn là buồn nôn, nôn khan; chướng bụng, đau bụng vùng thượng vị; đặt ống thông dạ dày vướng. Ở trẻ nhũ nhi, trớ và nôn là những triệu chứng thường gặp, có thể nôn ra dịch vàng hay dịch trong tùy theo vị trí bị tắc, đôi khi có thể nôn ra máu. Trường hợp nếu trong bệnh cảnh thoát vị hoành, dạ dày ở lồng ngực thường có triệu chứng suy hô hấp và thở nhanh.

Chẩn đoán xoắn dạ dày khá khó khăn vì triệu chứng của bệnh tương tự các cơn đau bụng do nhiều nguyên nhân hay gặp khác. Xoắn dạ dày thường khó được xác định chính xác trước phẫu thuật, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp khám lâm sàng tỉ mỉ cùng các xét nghiệm cận lâm sàng thích hợp như siêu âm, chụp X-Quang, Cắt lớp vi tính ổ bụng,…

Các bác sĩ khuyến cáo: Ngoài những nguyên nhân thường gặp ở trẻ tắc ruột, giãn dạ dày thì cũng cần nghĩ đến nguyên nhân ít gặp hơn như xoắn dạ dày. Đối với cha mẹ và người chăm sóc trẻ, khi trẻ đột ngột nôn nhiều, đau bụng từng cơn thì nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.