Theo các doanh nghiệp, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore trong tuần qua diễn biến khó lường, tăng giảm đan xen. Mức điều chỉnh trong biên độ hẹp.

Trên thị trường thế giới, ghi nhận vào sáng 10/7, giá dầu WTI được giao dịch ở mức 73,4 USD/thùng, dầu Brent 78,1 USD/thùng, tăng 2-3 USD/thùng so với hồi đầu tuần trước. Đây là mức giá cao nhất đối với dầu Brent và dầu WTI kể từ đầu tháng 5 tới nay. Cả hai mặt hàng dầu chuẩn này đều đã ghi nhận mức tăng khoảng 5% trong tuần

Theo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trước xu hướng của giá xăng dầu thế giới, dự báo trong kỳ điều hành ngày 11/7, giá xăng, dầu có thể tăng 200 - 300 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu này đã trải qua 19 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Bộ Công Thương dự báo, giá nhiên liệu trong nước có thể tăng trở lại trong quý III khi giá dầu thế giới đi lên. Dẫn phân tích, dự báo của hãng tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie, Bộ này cho hay, bình quân dầu thô thế giới ở mức 87 - 92 USD, tức giá thành phẩm khoảng 90 - 98 USD một thùng xăng, dầu diesel. Mức này giảm gần 13 - 23% so với cùng kỳ 2022, nhưng tăng khoảng 1 - 2% so với nửa đầu 2023.

Với kịch bản giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân 90 USD/thùng, Bộ Công Thương tính toán một lít xăng E5 RON92 ở mức 21.325 đồng, RON95 là 21.597 đồng và dầu diesel 18.115 đồng.

Giá xăng dầu dự báo tăng nhẹ trong kỳ điều hành ngày 11/7/2023. Ảnh minh họa
Giá xăng dầu dự báo tăng nhẹ trong kỳ điều hành ngày 11/7/2023. Ảnh minh họa

Còn nếu giá thành phẩm thế giới 98 USD/thùng, giá dầu diesel ở mức 19.415 đồng/lít; E5 RON92 là 22.657 đồng một lít. Còn giá xăng RON95 là 23.049 đồng, đắt hơn hiện tại gần 2.000 đồng một lít, và tương đương ngưỡng giá tháng 11/2022.

Lúc 6h30 ngày 10/7, trên thị trường thế giới, giá dầu WTI giao dịch ở mức 73,63 USD/thùng, tăng 0,02 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 78,15 USD/thùng, tăng 2,38 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Giá dầu tăng do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh cùng những lo ngại xoay quanh sự cắt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Reuters thông tin, Saudi Arabia sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8, đồng thời để ngỏ khả năng kéo dài việc cắt giảm sang những tháng sau đó. Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Cùng với đó, Algeria cũng sẽ cắt giảm sản lượng dầu thêm 20.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Giới chuyên gia nhận định, giá dầu trong tuần này tiếp tục tăng do khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất và Mỹ đang có ý định mua bổ sung 6 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược của mình.