Giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao kỷ lục: Tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội
Theo Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng. Hệ lụy của nó là có tới 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá theo.

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng trước việc giá xăng tăng thêm hơn 500 đồng/lít kể từ 15h ngày 1-3, chị Lê Minh Ngọc, thường trú tại chung cư G3C (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) vẫn có chút ngỡ ngàng. Những lần tăng giá xăng trước đã khiến cuộc sống của không chỉ riêng gia đình chị mà nhiều gia đình khác thêm khó khăn.

“Xăng, dầu tăng giá khiến cái gì cũng tăng giá. Tôi đi mua rau bây giờ gấp đôi, bình thường rau chỉ có 10.000 đồng bây giờ lên hơn 20.000 đồng/mớ cải cúc. Với xe máy, tôi thường đổ 100.000 đồng là đầy bình nhưng giờ phải cộng thêm 40.000 đồng nữa”, chị Ngọc nói.

Với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vận tải, xăng dầu tăng giá đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta, đơn vị lâu năm về logistics, cho biết, trong vận tải đường bộ, 40% cước phí là chi phí nhiên liệu, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng trong thời gian ngắn đã làm tăng 13% cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng rất mạnh đến doanh nghiệp khi mà chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4-5%.

Công bố của Tổng cục Thống kê ngày 28-2 cũng đã khẳng định hệ lụy này. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 đã tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12-2021. Theo Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng. Hệ lụy của nó là có tới 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá theo.

Cụ thể, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% do một số đơn vị kinh doanh vận tải tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của các quy định hạn chế số lượng khách chuyên chở để phòng dịch. Giá vé tàu hỏa tăng 7,95% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,54%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,92% do giá dầu hỏa tăng 8,32%; giá gas tăng 3,5%...

Lý giải về nguyên nhân tăng giá xăng, dầu lần này, liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng, trong khi nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21-2 và kỳ điều hành ngày 1-3 là 111,345 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 3,083 USD/thùng, tương đương tăng 2,84% so với kỳ trước); 114,207 USD/thùng xăng RON95 (tăng 3,559 USD/thùng, tương đương tăng 3,22% so với kỳ trước); 112,658 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 2,957 USD/thùng, tương đương tăng 2,71% so với kỳ trước); 108,432 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,752 USD/thùng, tương đương tăng 2,60% so với kỳ trước); 538,848 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 19,456 USD/tấn, tương đương tăng 3,75% so với kỳ trước).

Bởi vậy, tại kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý. Nghĩa là tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa và duy trì chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92 và dầu diesel, tăng chi Quỹ bình ổn giá đối với hàng xăng RON95 để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này. Mục tiêu là để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Thực tế, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới, nhưng theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Nhà nước cần có sự điều chỉnh giảm các loại chi phí khác cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Còn theo đề nghị của lãnh đạo một số doanh nghiệp, để cấp thiết giảm thiểu khó khăn mà các đơn vị đang phải "gánh", Chính phủ cần sớm nhanh chóng điều tiết giảm thuế, phí trong cơ cấu giá của xăng dầu. Mặt khác, tăng nguồn dự trữ xăng dầu để ổn định giá bán cũng như tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung…