Giá lợn hơi giảm mạnh, có lo thiếu thực phẩm dịp tết?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Khánh Linh |
Ngày 8/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến “Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022”.
Giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg
Theo Cục Chăn nuôi, nếu như trong tháng 3 và 4/2021, giá lợn hơi xuất chuồng vào khoảng 70.000-75.000 đồng/kg thì đến tháng 7, 8 giảm còn 50.000-55.000 đồng/kg, sang tháng 9/2021giá lợn hơi tiếp tục giảm và tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng. Đặc biệt, có một số địa phương do giãn cách xã hội giá dưới 40.000 đồng/kg, lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.
Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành từ 45.000-50.000 đồng/kg. Chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg.
Với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay, người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn xuất chuồng đang giảm rất mạnh nguyên nhân là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới và Việt Nam khiến đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi. Nhu cầu tiêu dùng giảm nhiều, nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng khoảng 30% đã quá tuổi xuất bán. Điều này đã gây tác động tiêu cực dây chuyền.
“Giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16 - 36%. Chi phí sản xuất tăng, trong khi khâu lưu thông bị gián đoạn, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tình hình này làm cho người chăn nuôi lỗ rất nhiều, ứ đọng tiền vốn. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn mới đủ sức trụ vững” – ông Nguyễn Văn Trọng lý giải.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc miền Trung dự báo, giá lợn hơi sẽ tiếp tục “rơi tự do” trong tháng 10 này và mức giá 25.000 đồng/kg đang được dự báo có thể chưa phải là mức đáy. Với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay, thì mỗi con lợn bị lỗ từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng.
Không chỉ giá lợn hơi mà giá gia cầm hiện nay cũng giảm. Nguyên nhân do nhu cầu thị trường giảm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao. Tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, các doanh nghiệp chăn nuôi trong tháng 8 và 9 chỉ tiêu thụ được 5-10% số lượng gà công nghiệp lông trắng…
'Không lo xảy ra chuyện thiếu thực phẩm dịp tết'
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc cần làm hiện nay là cố gắng tiêu thụ hết sản phẩm gia súc, gia cầm hiện còn tồn đọng trong chuồng trại của các cơ sở chăn nuôi.
Để ngành chăn nuôi hoàn thành kế hoạch sản xuất; đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay nhiều địa phương đã khống chế được dịch Covid-19, do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành chăn nuôi là cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
"Các địa phương cần tiếp tục khôi phục, ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ để phục vụ tiêu dùng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021 và nhất là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng từ 10-12% trước, trong và sau dịp Tết nguyên Đán 2022..." - ông Phùng Đức Tiến nói.
Ông Phùng Đức Tiến khẳng định: "Chúng ta sẽ củng cố lại lực lượng, chuẩn bị tổ chức sản xuất cho những tháng cuối năm. Với năng lực sản xuất chăn nuôi của chúng ta như hiện nay, sẽ không lo xảy ra chuyện thiếu thực phẩm dịp tết".
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ vay vốn để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Cùng với đó, Bộ Công thương, các địa phương xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Bố trí các vùng đệm, trạm trung chuyển để tập kết hàng hoá từ ngoại tỉnh chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành; đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi.