Giá tiêu hôm nay (ngày 22/2) trong khoảng 89.000 - 91.500 đồng/kg. Cụ thể: Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 91.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 89.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 89.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu vượt mốc 90.000 đồng/kg

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 91.500 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 91.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Giá tiêu nội địa vượt mốc 90.000 đồng/kg là điều đã được dự đoán trước đó bởi áp lực nguồn cung. Trong khi nhu cầu tăng của các thị trường khác nhau như Mỹ, EU, châu Á và châu Phi đối với các đơn hàng giao ngay trong quý 1 năm 2024 cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá hồ tiêu tăng mạnh ngay cả khi Việt Nam bước vào cao điểm vụ thu hoạch.

Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.905 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 4.100 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 6.157 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.900 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 4.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.700 USD/tấn.

Theo các chuyên gia, năm nay người dân Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang có tích lũy và thu nhập tốt từ vườn sầu riêng, cây ăn trái, do đó nhiều người không vội gì bán hồ tiêu, nên không dễ "ép giá" hồ tiêu.

Một nguyên nhân nữa cũng phải kể đến là lực mua từ các thương lái Trung Quốc. Thông thường sau Tết Nguyên đán, Việt Nam vào kỳ thu rộ cũng là lúc thương nhân Trung Quốc tăng cường tìm kiếm nguồn hàng.

Trong khi sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Theo dự báo, tại các nước sản xuất hồ tiêu khác như Ấn Độ, Indonesia, Brazil, sản lượng được dự báo cũng giảm. Điều này dẫn tới lượng hồ tiêu nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ giảm trong năm 2024. Bởi ở Đông Nam Á, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hồ tiêu từ Indonesia, song giá hồ tiêu của nước này ngày càng đắt đỏ khi khách hàng của Indonesia chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - vốn sẵn sàng trả giá cao. Do đó, Indonesia chỉ bán cho Việt Nam khi nguồn cung dư thừa.

Còn với Brazil, dù có giá thấp hơn Việt Nam nhưng với tình hình hạn hán, mất mùa, người dân Brazil cũng sẽ không vội bán ra với giá rẻ. Với lượng tồn kho thấp, sản lượng dự báo giảm và lượng nhập khẩu thấp hơn, nhiều dự báo cho rằng, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2024 có thể sẽ đạt mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Điều này đồng nghĩa với mức giá cũng sẽ cao trong thời gian tới.