Giá gói thầu là gì?

Giá gói thầu được định nghĩa theo quy định của Luật Đấu thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu – khoản 16 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013. Gói thầu là toàn bộ hoặc một phần dự án mà để thực hiện dự án thì phải có kinh phí và kinh phí đó được gọi là giá gói thầu. Ví dụ đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, số tiền dự kiến bỏ ra để mua sắm gọi là giá gói thầu.

Giá gói thầu
Giá gói thầu

Quy định về giá gói thầu

Giá gói thầu được xác định như sau:

a) Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

b) Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư;

c) Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.

Một trong các điều kiện để nhà thầu được trúng thầu là có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu. Như vậy giá gói thầu mà mức giá cao nhất mà chủ đầu tư có thể bỏ ra đầu tư dự án.

Khi chủ thầu áp dụng hợp đồng trọn gói với nhà thầu, giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu phải bao gồm cả chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá. Giá dự thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng sau khi điều chỉnh phải bảo đảm không vượt giá gói thầu hoặc dự toán được phê duyệt. Trường hợp dự án, dự toán mua sắm gồm nhiều gói thầu, tổng giá hợp đồng sau khi điều chỉnh phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm được phê duyệt.

Việc xác định giá gói thầu hợp lý giúp cho chủ đầu tư sử dụng vốn hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí tài sản. Nhất là đối với các gói thầu có chủ đầu tư là Nhà nước thì việc xác định giá gói thầu càng quan trọng hơn.

Các lưu ý khi xác định, ghi giá gói thầu

– Giá gói thầu phải được tính đúng, chính xác, đầy đủ toàn bộ các chi phí để thực hiện cho gói thầu, bao gồm cả các chi phí dự phòng, các khoản thu của thuế, phí, lệ phí.

Trong đó chi phí dự phòng bao gồm:

+ Chi phí dự phòng phát sinh khối lượng;

+ Chi phí dự phòng trượt giá;

+ Chí phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có).

Tuy nhiên chi phí dự phòng có thể bằng không nếu trong trường hợp các gói thầu có thời gian để thực hiện hợp đồng ngắn, trong quá trình không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định.

– Cách ghi giá gói thầu:

Khi quy định giá gói thầu của các gói thầu có nhiều phần riêng biệt thì phải ghi rõ giá ước tính riêng cho từng phần riêng biệt này:

– Thời hạn cập nhật của giá gói thầu là 28 ngày tính đến trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

– Thay đổi, điều chỉnh giá gói thầu:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì nếu trong trường hợp có lý do chính đáng dẫn đến việc buộc phải thay đổi, điều chỉnh giá gói thầu thì sẽ được điều chỉnh với thủ tục và nội dung theo đúng các quy định của pháp luật trước thời điểm mở thầu.

– Giá gói thầu phải được chủ đầu tư thể hiện rõ ràng trong các giấy tờ sau:

+ Tờ trình Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được áp dụng theo mẫu số 1 trong Phụ lục của Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT, cụ thể trong các phần về Bảng tổng hợp phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu (gồm có giá gói thầu từng phần riêng biệt và tổng giá gói thầu).

+ Bảng tổng hợp kết quả thẩm định nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong Mẫu số 2 Báo cáo thẩm định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án.

+ Phụ lục kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong Mẫu số 3 Quyết định về việc phê duyệt lựa chọn kế hoạch nhà thầu.

05 Ý nghĩa của giá gói thầu

Giá gói thầu thể hiện quy mô dựa án. Dự án lớn thì giá gói thầu lớn ngược lại dự án nhỏ thì giá gói thầu nhỏ. Giá gói thầu cũng là căn cứ để các nhà thầu cân nhắc khi quyết định dự thầu. Giá gói thầu phải phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của nhà thầu thì nhà thầu có nhiều cơ hội trúng thầu hơn.

Theo đó, bước một dựa vào giá trị của gói thầu để xác định phân loại gói thầu. Theo quy định tại Điều 63 Nghị định 63/2014/NĐ-CP đối với các gói thầu cung cấp các dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa mà giá trị gói thầu nhỏ hơn 10 tỷ đồng hoặc các gói thầu hỗn hợp, xây lắp mà giá trị gói thầu nhỏ hơn 20 tỷ đồng thì được xác định là gói thầu có quy mô nhỏ.

Bước 2, là căn cứ để xác định giá trị bảo đảm dự thầu theo quy định tại khoản 3 Luật Đấu thầu 2013. Cụ thể giá trị để bảo đảm dự thầu được quy định theo một mức xác định trong khoảng từ 1% – 3% giá gói thầu tùy thuộc vào quy mô, tính chất của từng gói thầu.

Ba là, một trong những căn cứ để xác định các gói thầu cung cấp dịch vụ công, sản phẩm có giá gói thầu trong hạn mức thì được chỉ định thầu.

Bốn là, căn cứ để xác định điều kiện trúng thầu khi tổ chức xét duyệt đối với các nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, hỗn hợp, xây lắp. Cụ thể nhà thầu là cá nhân, tổ chức phải đảm bảo điều kiện là có giá đề nghị trúng thầu nhỏ hơn giá gói thầu được phê duyệt.

Năm là, ngoài ra giá gói thầu còn được làm căn cứ trong việc xử lý một số tình huống trong đấu thầu.