Giá cà phê ngày 24/1

Giá cà phê hôm nay, ghi nhận tại các vùng trồng trọng điểm giữ nguyên so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Hiện giá cà phê đang dao động trong khoảng 39.100 - 39.900 đồng/kg.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.100 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 39.900 đồng/kg.

Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 39.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 39.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 39.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 39.800 đồng/kg (Chư Prông).

Ở Pleiku và La Grai cùng giá 39.700 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 39.700 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 24/1: Thị trường đi ngang

Cập nhật giá cà phê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2022 giảm 14 USD/tấn ở mức 2.213 USD/tấn, giao tháng 5/2022 giảm 13 USD/tấn ở mức 2.179 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 5,75 cent/lb, ở mức 237,9 cent/lb, giao tháng 5/2022 giảm 5,7 cent/lb, ở mức 238,1 cent/lb.

Hiệp hội Cà phê đặc sản Brazil lần đầu tiên phát hành các dự báo về thị trường cà phê của mình. Hiệp hội cho biết nhu cầu tiêu thụ robusta cũng như cà phê hòa tan chất lượng cao ngày càng nhiều. Hiệp hội này còn dự đoán thị trường cà phê sẽ quay về các mức giá như thời trước khi xảy ra đại dịch vào khoảng năm 2023.

Đây là điều cần đặc biệt quan tâm vì mục tiêu từ 5-6 tỷ USD trong vòng 15 năm tới cho ngành cà phê do Hiệp hội Cà phê&Ca cao Việt Nam mới (nhiệm kỳ 10) đề ra sẽ chịu thử thách rất lớn nếu chủ yếu tập trung vào xuất khẩu cà phê thương phẩm.

Lượng hợp đồng dư mua trên sàn London đến ngày khóa sổ tuần trước còn ở mức cao 44.559 lô so với trước đó là 49.673. Sau đợt bán mạnh tuần trước, ước thực tế hiện nay lượng hợp đồng dư mua chừng 40-42 nghìn lô, mức ấy vẫn còn cao.

Dù giá London đang bước một chân vào vùng bán quá mức, nhưng lượng dư mua còn lớn nên chưa ai dám đoán rằng họ còn phải thoát bớt nhất là khi tâm lý của giới đầu tư còn bất ổn trước các tin về thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ.

Một vấn đề khác nữa là tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc sàn London tăng. Nếu như trong vài ngày tới đây, báo cáo tồn kho này có con số lớn hơn, lại thêm bất lợi, nên giới kinh doanh dựa trên kỹ thuật cần phải tính trước.

Cố vấn Hiệp hội Cà phê Lào (LCA) cho biết, LCA đã ghi nhận hơn 30.000 tấn cà phê trong năm 2021, theo The Phnom Penh Post. Trong khi đó, sản lượng cà phê trong năm 2022 được dự báo chỉ có 20.000 tấn, đây quả là một cú sốc lớn đối với ngành cà phê của Lào.

Giá mỗi kg cà phê nhân robusta tại Lào đã tăng từ 3.200 kip lên 9.300 kip (tương đương từ 0,28 USD lên 0,82 USD) do sản lượng giảm. Tương tự, các nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới như Brazil và Việt Nam cũng chứng kiến sự sụt giảm trong sản xuất. Ông nhận định: “Giá cà phê Lào cao hơn giá thế giới mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân. Tuy nhiên, chất lượng hạt cà phê sẽ thấp hơn khi người mua đổ xô mua hạt cà phê cho nhà máy chế biến của họ”.

Giá hồ tiêu ngày 24/1

Giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 79.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 80.000 đồng/kg.

Tại Đắk Nông, Đắk Lắk giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.000 đồng/kg.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất ở mức 82.000 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 24/1: Thị trường đi ngang

Trong báo cáo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cơ quan này đánh giá cán cân cung cầu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2022 dự báo thấp hơn nhu cầu, nhưng lượng hàng tồn kho năm 2021 có thể giúp đáp ứng nhu cầu năm 2022. Thị trường có các yếu tố hỗ trợ giá theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, khả năng biến động giá có thể xảy ra nếu có sự tham gia mạnh của các nhà đầu cơ.

Đi cùng với sự tăng giá, sự gia tăng mạnh của các yếu tố đầu vào do lạm phát khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm đáng kể. Đặc biệt, cước vận tải biển đã tăng hơn 500% trong năm qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lạm phát thế giới năm 2022 sẽ dự báo sẽ tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hồ tiêu.

Sản xuất hồ tiêu Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng các nguyên nhân khách quan như sốt giá đất, giá phân, giá thuốc, nhân công tăng. Dự báo năm 2022 sản lượng hồ tiêu Việt Nam giảm so với năm 2021 sẽ làm cho giá tiêu tăng trong thời gian tới.

VPA nhận định, đại dịch toàn cầu từ năm 2020, gần đây nhất là việc xuất hiện biến chủng Omicron vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu trong đó có thị trường quan trọng của hồ tiêu Việt Nam như Mỹ và các nước châu Âu, khu vực Nam Á. Chính sách zero Covid của Trung Quốc cũng tác động không nhỏ tới thị trường khi 90% lượng hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Việc tắc nghẽn ở các cửa khẩu, việc thắt chặt việc đi lại tại thị trường nội địa Trung Quốc khi phát hiện ca dương tính sẽ làm cho việc tiêu thụ hồ tiêu của Trung Quốc giảm xuống.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế trong năm 2022 khả năng sẽ khó thực hiện làm giảm đi việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường và khách hàng mới của các doanh nghiệp.