Giá cà phê ngày 17/12

Giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Hiện giá cà phê đang dao động trong khoảng 40.500 - 41.300 đồng/kg.

Cụ thể: Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.500 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.300 đồng/kg.

Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.200 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.100 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.200 đồng/kg (Chư Prông).

Ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.100 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.100 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 17/12: Giá hồ tiêu giảm từ 500 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg

Bão Rai, cơn bão số 9, sẽ đi vào biển Đông vào cuối tuần này và sẽ chuyển hướng đi dọc theo các tỉnh Duyên Hải miền Trung để ngược ra hướng Bắc. Vùng cà phê Tây nguyên sẽ có nhiều mưa gây cản trở việc thu hoạch nhưng không kéo dài.

Trong tháng 10/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê arabica của Việt Nam tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vài năm trở lại đây, đạt 3.708 USD/tấn, tăng 55,4% so với tháng 10/2020, theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Tính chung 10 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê arabica đạt 2.802 USD/ tấn, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê arabica sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Bỉ, Nhật Bản, Nga giảm so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, xuất khẩu sang Đức tăng mạnh 96,7% về lượng và tăng 154,9% về trị giá, đạt 11,6 nghìn tấn, trị giá 32,77 triệu USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê arabica sang thị trường Hàn Quốc tăng mạnh 155,2% về lượng và tăng 236,2% về trị giá. Xuất khẩu cà phê arabica sang các thị trường Malaysia, Italia, Canada và Thái Lan cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại 2021/2022 có thể giảm do nhiều cây trồng già cỗi không được tái canh kịp thời vì mức giá thấp kéo dài, trong khi một số diện tích đáng kể được nhà nông chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Trong khi đó, Báo cáo mới nhất của USDA nhận định xuất khẩu cà phê robusta từ Việt Nam trong niên vụ 2021/2022 sẽ tăng nhẹ so với niên vụ trước đó. Theo chúng tôi quan sát, có thể xuất khẩu tăng là do hàng tồn vụ cũ vì dịch bệnh covid-19 và những vấn đề về logistics nên chưa xuất được chứ không phải do sản lượng tăng.

Tại thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 6 USD/tấn ở mức 2.434 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 4 USD/tấn ở mức 2.299 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 0,45 cent/lb, ở mức 236,85 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 0,5 cent/lb, ở mức 237 cent/lb.

Giá hồ tiêu ngày 17/12

Trong phiên giao dịch sáng nay (17/12), giá hồ tiêu giảm 500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, giảm 1.000 đồng/kg ở khu vực Đông Nam Bộ so với cùng thời điểm sáng qua. Hiện giá hồ tiêu đang dao động trong khoảng 79.500 - 82.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức mức 79.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 79.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Tại Đắk Nông, Đắk Lắk giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất ở mức 82.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 17/12: Giá hồ tiêu giảm từ 500 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg

Thị trường những tuần cuối năm 2021 nhìn chung khá ảm đạm. Các đơn vị thu mua tranh thủ hạ giá đầu vào. Lượng hàng tồn trong nội địa hiện ước còn 25.000 tấn, giảm nhiều so với những năm trước. Tình hình nhập khẩu hạt tiêu cũng giảm mạnh do nguồn cung thế giới cạn kiệt. Do vậy nhận định giá tiêu đang bước vào chu kỳ hồi phục về giá, thị trường vẫn tăng đều trong năm 2022 vẫn đang được nhiều người ủng hộ.

Trên thực tế, sản lượng hồ tiêu năm sau của Việt Nam dự đoán còn giảm hơn năm nay vì cảnh mất mùa. Nhiều vườn tiêu cho thu hoạch sớm, năng suất kém vì cây bị suy sau nhiều năm không được chăm sóc tốt do nông dân cạn vốn đầu tư khi mặt hàng này liên tục rớt giá. Nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến tiêu mất mùa là do ảnh hưởng của thời tiết.

Tuy vậy, tại nhiều vùng trồng tiêu hữu cơ diện tích vẫn ổn định và cho năng suất tốt. Như hầu hết các chủ vườn tiêu lớn ở Đắk Song (Đắk Nông) như Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N'Drung…đều tin tưởng sẽ được mùa. năng suất đạt trung bình khoảng từ 4 – 4,5 tấn/ha, có vườn chăm sóc tốt năng suất có thể đạt trên 6 tấn/ha.

Thị trường hồ tiêu thế giới, số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong tháng 10/2021 đạt 4,79 triệu USD, giảm 1,3% so với tháng 10/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 45,79 triệu USD.

10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Indonesia và Malaysia giảm, nhưng tăng từ Việt Nam, Brazil và Ấn Độ.

Theo thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này từ Indonesia trong 10 tháng năm 2021 đạt 23,26 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,51% trong 10 tháng năm 2020 xuống 50,8% trong 10 tháng năm 2021.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 14,54 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,85% trong 10 tháng năm 2020, lên 31,76% trong 10 tháng năm 2021.

Sản lượng hạt tiêu năm nay ở Trung Quốc giảm do thời tiết không thuận lợi. Do đó, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu hạt tiêu trong những tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nước này giảm mạnh nhập khẩu kể từ tháng 6/2021, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cay ở Trung Quốc giảm và nhu cầu của các công ty chế biến cũng giảm.

Do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, các hãng khai thác tàu trung chuyển quốc tế đã quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Động thái này có thể khiến cung ứng thêm đứt đoạn.