Giá cà phê ngày 14/12

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.800 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.600 đồng/kg.

Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.500 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.500 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.400 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.500 đồng/kg (Chư Prông).

Ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.400 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.500 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 14/12: Cà phê ổn định, hồ tiêu chững lại

Hiện nay đã có một áp thấp nhiệt đới đi vào Philippines, có thể trở thành bão số 9 trên Biển Đông. Theo dự đoán nhiều khả năng hướng đi của cơn bão này nhằm vào vùng miền Trung và Tây Nguyên của Việt Nam. Nếu điều này xảy ra sẽ khiến nguồn cung Robusta thế giới từ Việt Nam tiếp tục bị chậm lại, vì mưa bão sẽ khiến việc thu hái, phơi sấy cà phê bị ảnh hưởng. Qua đó nhiều khả năng giá Robusta sẽ quay đầu tăng mạnh.

Hiện vùng trồng cà phê lớn nhất của cả nước đang vào thu hoạch với tổng diện tích trên 540.000 ha, dự kiến sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn. Theo ghi nhận, nông dân phấn khởi khi cà phê cho năng suất, chất lượng vượt trội so với các năm trước.

Hiện nay, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch được 50% diện tích cà phê. Đa số người dân thực hiện hình thức tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ để đổi công, hỗ trợ nhau thu hoạch, vận chuyển và tránh di chuyển ra khỏi địa bàn cư trú để phòng chống dịch bệnh. Do đó, hầu hết các địa phương phần nào khắc phục được tình trạng thiếu nhân công.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 1 USD/tấn ở mức 2.375 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 4 USD/tấn ở mức 2.287 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 4,1 cent/lb, ở mức 236,7 cent/lb, giao tháng 3/2022 tăng 4,15 cent/lb, ở mức 236,5 cent/lb.

Giá cà phê hai sàn thế giới giữ xu hướng giảm do lo ngại nhu cầu tiêu thụ suy yếu vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại đã dẫn tới hoạt động thanh lý kéo dài.

Mặc dù đã có nhiều tuyên bố trấn an rằng biến thể Omicron không nguy hiểm như nhiều người lo ngại, song nhiều nước vẫn lo sợ do biến thể này được xác nhận lây lan hơn chủng Delta rất nhiều lần.

Giá hồ tiêu ngày 14/12

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 81.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở 81.000 đồng/kg.

Tại Đắk Nông, Đắk Lắk giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 82.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 82.500 đồng/kg.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất ở mức 83.500 đồng/kg.

Theo đánh giá, thị trường trong nước hiện khá im ắng, các công ty đồng loạt ngưng mua, phần vì đã trữ đủ hàng cho xuất khẩu tháng 12/2021, phần để nghe ngóng thị trường và chuyển dòng vốn sang cà phê đang vào vụ.

Thị trường hồ tiêu chững lại.
Thị trường hồ tiêu chững lại.

11 tháng năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu giảm 6,7% về lượng so với năm ngoái, đạt 247.000 tấn nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 54,4% nên trị giá xuất khẩu vẫn tăng 44%, đạt 868 triệu USD.

Lượng hàng tồn trong nội địa hiện ước còn 25.000 tấn, giảm nhiều so với những năm trước. Tuy vậy, lượng mua trữ tiêu cũng thấp hơn nhiều, vì năm nay giá tiêu cao, sắp tới không biết còn biến động như thế nào nên các kho ngưng mua. Điều này dẫn dòng tiền bị tắc, đẩy thị trường như "chiếc lò xo bị nén" cho những tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, mấy năm vừa qua, nguồn cung dồi dào, giá thấp nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mua trữ và khả năng một thời gian ngắn nữa mới tiêu thụ hết số hàng trữ này. Lúc đấy sẽ lộ rõ việc cần hàng để tiêu thụ, buộc phải mua nguyên liệu hồ tiêu mà chủ yếu là từ Việt Nam với gần 60% lượng hàng nguyên liệu hồ tiêu của thế giới.

Với những phân tích trên, các chuyên gia đánh giá đà tăng của hồ tiêu vẫn còn rất sáng sủa, nhưng nhiều rủi ro với người trồng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai, với người nông dân, trong bối cảnh này việc sản xuất hồ tiêu cần có đủ 2 điều kiện cơ bản là: Kiến thức về trồng hồ tiêu và nắm bắt thị trường kịp thời của ngành hàng hồ tiêu và khả năng đầu tư, chăm sóc hồ tiêu để trồng mới vườn tiêu cũng như tiếp tục chăm sóc vườn tiêu hiện có.

Các chủ vườn cần nắm vững các yêu cầu cụ thể như sau: Không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết, chọn đất phù hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu, chọn giống tốt, nên trồng xen canh hơn là trồng thuần, nên trồng tiêu trên cây trụ sống, nên đắp mô ở gốc không nên tạo bồn, nên để cỏ trong vườn tiêu, không nên làm sạch cỏ, sử dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt, chăm bón vườn tiêu theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu phát triển bền vững và ít bị sâu bệnh hại.

Tại Ấn Độ, giá hạt tiêu đã tăng lên mức kỷ lục 532 rupee/kg khiến nông dân và các đại lý ở chợ sơ cấp có động thái giữ lại sản phẩm nhằm hi vọng giá sẽ tăng thêm.

Do đó, hàng hóa sẵn có của mặt hàng trên thị trường thực tế đã bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến giá tiêu tăng đột biến là do khí hậu không thuận lợi ở Kerala và Karnataka đã gây thiệt hại cho các trang trại trồng tiêu. Điều kiện khí hậu không thuận lợi có thể dẫn đến sản lượng thấp hơn trong năm 2022.

Việc nông dân và thương lái giữ hàng khi giá tăng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, thực tế là các kho dự trữ đang cạn kiệt ngoại trừ việc có sẵn hạt tiêu nhập khẩu từ Sri Lanka.

Giá tiêu của Ấn Độ hiện đã cao hơn nhiều so với các quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn khác trên thế giới.

Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu hạt tiêu từ các quốc gia khác thông qua các kênh bất hợp pháp, gây thiệt hại cho nông dân trong nước.