Các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng giá trong khi kim loại quay đầu giảm mạnh. Chỉ số MXV-Index suy yếu nhẹ sau ba phiên tăng liên tiếp, với mức giảm 0,06% xuống còn 2.313 điểm.

Giá ca cao tiếp tục hướng về đỉnh trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Kết phiên ngày 13/6, giá ca cao hợp đồng tháng 9 tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 2,61% lên 10.110 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất cao nhất trong 1 tháng rưỡi trở lại đây. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung ca cao được đẩy lên cao khi các nhà sản xuất hàng đầu có dấu hiệu dừng hoạt động xuất khẩu và bán trước cho vụ mới.

Theo Reuters, trong tháng 6, lệnh dừng xuất khẩu và bán ca cao đã được ban hành tại Bờ Biển Ngà, quốc gia xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới. Quốc gia này đã tạm dừng hoạt động bán hạt ca cao niên vụ 2024-2025 ở mức 940.000 tấn, giảm khoảng 35% so với cùng kỳ vụ trước. Tình trạng ngừng xuất khẩu sẽ kéo dài đến sau tháng 6 với các tập đoàn đa quốc gia. Hiện tại, hoạt động mua bán chỉ diễn ra để phục vụ nội địa. Các nhà xuất khẩu cho biết, họ đang chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về sản lượng dự kiến để có thể quyết định lượng hàng bán ra và xuất khẩu.

Trước đó, Ghana, nước sản xuất ca cao lớn thứ hai thế giới cho biết, các nhà xuất khẩu ca cao nước này đang tìm cách trì hoãn việc giao 350.000 tấn hạt cho mùa vụ 2024-2025 do mùa màng kém.

Giá ca cao tiếp tục hướng về đỉnh trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Các nguồn tin dự đoán, doanh số bán ca cao của quốc gia này có thể chỉ ở mức 100.000 tấn sau thông tin này. Đây là con số quá thấp so với mức trung bình 750.000 - 850.000 tấn trong các vụ trước.

Ngoài ra, các thương nhân cũng trở nên bi quan hơn về triển vọng nguồn cung vụ mới của 2 quốc gia chiếm trên 60% sản lượng ca cao toàn cầu. Theo đó, sản lượng ca cao tại Bờ Biển Ngà và Ghana có thể giảm tới 30% so với vụ trước, nguy cơ cao cho tình trạng khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn. Trong đó, quy mô mùa vụ của Ghana có thể chỉ ở dưới 500.000 tấn, thấp hơn lượng ca cao xuất khẩu của những vụ trước.