Tại thị trường thế giới, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 90,75 USD/thùng, tăng 0,37 USD, tương đương 0,41% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 86,77 USD/thùng, tăng 0,34 USD, tương đương 0,39% so với phiên liền trước.

Theo thống kê ngày 4/4, sản lượng dầu của Mỹ đã giảm mạnh do đợt rét kéo dài 10 ngày vào giữa tháng 1/2024 khiến các giếng dầu đóng băng trên diện rộng.

Sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ trên toàn quốc đã giảm gần 24 triệu thùng hay 0,8 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023.

Đây là mức giảm hàng tháng cao nhất kể từ cơn bão mùa đông Uri vào tháng 2/2021 và trước đó là đợt dịch coronavirus vào tháng 3 và tháng 4/2020.

Trong mười ngày từ 13/1 đến 23/1, cơn bão mùa đông Heather đã khiến nhiệt độ trên khắp 48 tiểu bang thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trong năm.

Trong một diễn biến khác, căng thẳng tại Trung Đông có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Israel rút thêm binh sĩ khỏi miền Nam Gaza. Theo Reuters, Israel và Hamas đã mở một vòng đàm phán ngừng bắn mới ở Gaza ngày 7/4 nhưng một quan chức của Hamas cho biết các cuộc đàm phán vẫn bế tắc.

Bên cạnh đó, báo cáo việc làm của Mỹ thứ 6 tuần trước cho thấy nền kinh tế Mỹ đã kết thúc quý đầu tiên trên nền tảng vững chắc và điều này có thể khiến Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.

Ngoài ra, EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng khoảng 280.000 thùng/ngày trong năm nay lên 13,21 triệu thùng/ngày, và 510.000 thùng/ngày lên 13,72 triệu thùng/ngày vào năm 2025, cao hơn một chút so với dự báo trước.

Tuy nhiên, EIA đã nâng dự báo giá dầu thế giới trong năm nay cao hơn 2 USD/thùng so với báo cáo trước, với việc giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 90 USD/thùng trong quý II.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo sớm của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 5/4 đã tăng hơn 3 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho xăng giảm ít hơn dự báo, và tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng 102.000 thùng. Điều này cũng góp phần tạo áp lực lên giá dầu.

Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này tăng so với kỳ trước. Tuy nhiên, mức tăng không quá lớn.

Dự báo giá xăng dầu sẽ chạm mốc 25.000 đồng/lít vào ngày mai (11/4)

Dựa trên diễn biến giá xăng dầu thế giới, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (11/4) có thể tăng theo giá thế giới tính theo trung bình tuần qua.

Các doanh nghiệp xăng dầu cho hay, nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 90-150 đồng/lít; giá dầu diesel có khả năng tăng 670 đồng/lít.

Nếu dự báo trên là chính xác thì mặt hàng xăng E5 RON 92 sẽ có phiên tăng giá thứ tư liên tiếp. Giá xăng RON95 sẽ chạm mốc 25.000 đồng/lít.

Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ BOG thì giá xăng có thể giữ nguyên.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 8 lần tăng, 5 lần giảm, 1 lần trái chiều.

Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 10/4 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 23.916 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 24.801 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 20.988 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 21.015 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 17.296 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 4/4. Cụ thể, trong khi giá xăng E5 RON 92 tăng 291 đồng/lít, giá xăng RON 95-III lại giảm 15 đồng/lít. Cả 3 mặt hàng dầu đều tăng với dầu diesel tăng cao nhất, 295 đồng/lít; dầu hỏa tăng ít nhất, 136 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.