Đề xuất chuyển giao điều hành giá xăng dầu cho Bộ Tài chính
Theo Bộ Công thương, phương án giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bảo đảm việc phân công công tác quản lý nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành.

Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 95/2021 và nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến.

Đáng chú ý, trong dự thảo này Bộ Công Thương đã đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.

Theo Bộ Công thương, xăng dầu là mặt hàng do nhiều bộ, ngành cùng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao. Chẳng hạn, Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, còn quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công Thương và Tài chính đảm trách...

Nếu giữ nguyên các quy định hiện nay về điều hành, quản lý với xăng dầu sẽ đúng với phân công nhiệm vụ của các bộ từ nhiều năm qua. Tức là, trong điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở. Nhưng khi có vấn đề phát sinh, như thời điểm thị trường thiếu hụt nguồn cung cuối năm 2022, sự phối hợp giữa các bộ, ngành xử lý vấn đề trong điều hành chưa được chặt chẽ, lúng túng.

Do đó, Bộ Công thương cho rằng nên đưa về một đầu mối điều hành giá xăng dầu, cũng như rà soát, hướng dẫn và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu là Bộ Tài chính. Bộ Công thương sẽ phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Theo Bộ Công thương, phương án giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bảo đảm việc phân công công tác quản lý nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành đối với mặt hàng xăng dầu.

Song nhược điểm theo Bộ Công Thương là việc điều hành giá xăng dầu tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập khách quan trong việc xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, người đứng đầu Bộ Tài chính từng đề xuất khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công thương quản lý, bao gồm cả việc quyết định giá, chi phí định mức (hiện phần này đang do Bộ Tài chính đảm trách).

Bộ này lập luận, việc giao Bộ Công thương quản lý toàn diện xăng dầu sẽ đảm bảo nguồn cung chủ động giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ sản xuất kinh doanh.

Trước năm 2014, Bộ Tài chính từng là cơ quan chủ trì, đảm trách việc tính toán, điều hành và công bố giá bán lẻ xăng dầu trước năm 2014. Sau thời điểm này, khi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, việc điều hành, công bố giá được giao Bộ Công Thương chủ trì, và Bộ Tài chính phối hợp tính toán các chi phí xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở...