Cụ thể, các quyết định bị bãi bỏ bao gồm: Quyết định số 5071/QĐ-UBND ngày 1-7-2004 về việc phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch nhà ga đường sắt mới, tỷ lệ 1/1.000; Quyết định số 2739/QĐ-UBND ngày 23/4/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất dự án ga đường sắt mới; Quyết định số 4472/QĐ-UBND ngày 7/7/2014 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2.000 ga đường sắt mới và hệ thống giao thông phục vụ ga.

Dự án ga đường sắt Đà Nẵng được quy hoạch vào năm 2004 tại phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc. Dự án di dời ga Đà Nẵng được chia thành 2 tiểu dự án; Tiểu dự án 1 kinh phí dự kiến 10.236 tỷ đồng và tiểu dự án 2 khoảng 2.400 tỷ đồng, nhằm giải quyết nút thắt và áp lực về giao thông, bởi ga đường sắt Đà Nẵng nằm giữa lòng đô thị.

Tiểu dự án 1 sẽ di dời nhà ga, tuyến đường sắt quốc gia Bắc-Nam ra khỏi trung tâm Đà Nẵng về phía tây bao gồm xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1.000 mm dài khoảng 29km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa. Chung quanh ga đường sắt mới sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng phát triển tích hợp, cải thiện hạ tầng đô thị và nâng cao điều kiện sống cho người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Ga Đà Nẵng hiện nay đã có tuổi đời hơn 100 năm. Ảnh: Reatimes
Ga Đà Nẵng hiện nay đã có tuổi đời hơn 100 năm. Ảnh: Reatimes

Tiểu dự án 2 là đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án với kinh phí tạm tính khoảng 2.400 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố. Tuy nhiên, sau hơn 18 năm, việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện do thiếu đồng bộ trong phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia, ảnh hưởng lớn đến hạ tầng giao thông, đời sống người dân.

Tuy nhiên, từ khi được phê duyệt đến nay, dự án ga đường sắt mới không được triển khai do nhiều nguyên nhân. Người dân sống trong vùng quy hoạch của dự án tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu) gặp khó khăn trong vấn đề nhà ở khi không thể nâng cấp, sửa chữa làm cho chất lượng hạ tầng và mỹ quan bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.

Việc hủy bỏ quy hoạch “treo” suốt 18 năm sẽ tạo điều kiện để đầu tư, phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh cho cả khu vực ga đường sắt hiện hữu tại quận Thanh Khê và khu vực quy hoạch ga đường sắt mới tại quận Liên Chiểu.

Dự án treo gần 20 năm làm cho người dân trong vùng quy hoạch gặp khó khăn về công tác sữa chữa, chỉnh trang khu vực ở. Ảnh: Reatimes
Dự án treo gần 20 năm làm cho người dân trong vùng quy hoạch gặp khó khăn về công tác sữa chữa, chỉnh trang khu vực ở. Ảnh: Reatimes

Ga đường sắt đang hoạt động hiện nay tại TP Đà Nẵng đã hoạt động từ năm 1902 (Q. Thanh Khê). Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa suốt hơn 100 năm qua, ga đường sắt đã dần nằm trong trung tâm thành phố, tuyến đường sắt cũng cắt ngang nhiều trục đường đô thị với ước tính hơn 25 điểm giao đường bộ. Trong giờ cao điểm, những điểm cắt này là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc cục bộ tại một số tuyến đường. Theo UBND TP Đà Nẵng, sau khi ga Đà Nẵng được di dời thì khu vực nhà ga cũ và hành lang đường sắt cũ sẽ được tận dụng, tái phát triển thành các trục giao thông chính.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ga đường sắt mới của Đà Nẵng được di chuyển lên khu vực thuộc huyện Hòa Vang.