Ngày 26/9, tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương thì thông tin giá test nhanh Covid-19 mua với số lượng lớn ở nước ngoài chỉ 1,5 USD (khoảng 35.000 đồng), tính chi phí về Việt Nam là khoảng 50.000 đồng đã được đưa ra. Trong khi đó, giá hiện nay các tỉnh thành đang đấu thầu là 60.000-70.000 đồng/bộ. Do đó, nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết trước hết cần phân biệt giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm. Giá dịch vụ xét nghiệm hiện Bộ Y tế có quy định rõ về giá, còn giá xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định.

Bộ Y tế lên tiếng về bộ test nhanh Covid-19 mua nước ngoài giá 35 nghìn, trong nước lên 70.000 đồng
Có gần 90 loại test nhanh đang được lưu hành tại nước ta, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu và có giá dao động 80.000-130.000 đồng, đã giảm so với thời điểm cuối tháng 8 do một số doanh nghiệp điều chỉnh giá.

Hiện nay, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các xét nghiệm nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.

Để giúp các đơn vị mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá, từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế. Giá niêm yết này là giá công ty mong muốn bán ở thị trường Việt Nam, đơn vị tự chịu trách nhiệm về điều này. Khi mua sắm các địa phương có thể tham khảo giá trúng thầu được công khai trên cổng. Theo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, có gần 90 loại test nhanh đang được lưu hành tại nước ta, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu và có giá dao động 80.000-130.000 đồng, đã giảm so với thời điểm cuối tháng 8 do một số doanh nghiệp điều chỉnh giá.

Trước đó, vào 23/9, Bộ Y tế cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tháng 8 vừa qua, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, trên mạng xã hội và các website/ứng dụng thương mại điện tử rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 với giá từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng. Các chủ hàng quảng cáo mặt hàng xuất xứ từ nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, v.v… Theo quảng cáo, các bộ kit này có kết quả nhanh, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng", v.v… Tuy nhiên, các kit test trên chủ yếu là hàng trôi nổi/xách tay không có hóa đơn chứng từ, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Ngày 01/ 8/ 2021, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh được rao bán trên mạng, không có tên trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Trên thị trường có nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường có độ nhạy thấp, kết quả không chính xác. Người dân khi thử ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính, nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bộ Y tế lên tiếng về bộ test nhanh Covid-19 mua nước ngoài giá 35 nghìn, trong nước lên 70.000 đồng
Ngày 1/9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa phát hiện và thu giữ 1.000 bộ kit test nhanh COVID-19 có dấu hiệu nhập lậu với trị giá khoảng 120 triệu đồng. Số kit test nhanh COVID-19 nói trên có nhãn mác được ghi do Hàn Quốc sản xuất. Ông Mai Tuấn Vũ đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng, và số đăng ký lưu hành của sản phẩm.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiên giao dịch chung, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Người dùng nếu mua online: chỉ mua sản phẩm Kit test COVID -19 ở các đơn vị là các cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành. Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, các đơn vị là các cửa hàng thuốc được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc không có cửa hàng cụ thể.