Bánh trôi tàu của người Hà Nội những ngày mưa tháng 10
Giá trị dinh dưỡng của bánh trôi tàu
Bánh trôi tàu là loại bánh được làm bằng bột gạo nếp cùng hai loại nhân phổ biến là đậu xanh và vừng đen, ăn cùng nước đường mía nấu cùng gừng đun nóng và dừa nạo. Bắt nguồn từ Trung Quốc rồi theo chân người Hoa sang Việt Nam, bánh trôi tàu hấp dẫn thực khách nhờ lớp vỏ bánh mềm mượt bên ngoài mà dẻo dai bên trong, phần nhân mềm mại bùi bùi và nước đường thanh thanh thơm mùi gừng. Ăn miếng nào vị cay ngọt của gừng đọng lại miếng đó. Dường như cái cay ngọt ấy đã thấm vào cuống lưỡi, cổ họng rồi xua tan cái lạnh đầu đông.
Bánh trôi tàu có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ lâu đã theo chân người Hoa sang Việt Nam |
Nhưng bánh trôi tàu không chỉ ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Việc dùng gừng trong nước đường ngoài tác dụng làm thơm món ăn còn mang tính ấm nóng giúp thực khách tránh bệnh cảm lạnh khi giao mùa. Đặc biệt gừng được nấu cùng nước ấm sẽ giúp cơ thể ấm áp, hỗ trợ tuần hoàn máu và giải cảm, chữa ho. Không những thế, gừng còn giúp điều trị các chứng tiêu hoá và các vấn đề đường ruột. Kết hợp cùng đường mía sẽ tạo ra thứ nước dùng nóng phòng tránh cảm cúm tuyệt vời.
Bên cạnh đó, bản thân các loại gạo nếp cũng có tính ấm cùng tác dụng bổ sung vitamin E, B, canxi, protein,… tốt cho những người thiếu máu, loãng xương. Việc sử dụng các nguyên liệu trong bánh trôi nếp có tác dụng bồi bổ khí huyết, bổ sung năng lượng và phục hồi thể chất sẽ giúp thực khách tránh được việc mệt mỏi, cảm vặt trong những ngày giao mùa
Ước tính, một 1 viên bánh trôi trung bình có 123 calo, một bát bánh trôi tàu với 2 viên bánh và nước đường chứa khoảng 500 calo. Vì thế, nếu ai đó lỡ "nghiện" món ăn này nhưng ít vận động thì khả năng là cân nặng sẽ tăng "chóng mặt".
Điểm hấp dẫn thực khách chính là lớp vỏ bánh mềm mượt bên ngoài mà dẻo dai bên trong, phần nhân mềm mại bùi bùi và nước đường thanh thanh thơm mùi gừng |
Công thức làm bánh trôi tàu đơn giản
Nguyên liệu:
- Bột nếp: 550g
- Đậu xanh đã tách vỏ ngâm nước ấm khoảng 2 tiếng: 300g
- Đường thốt nốt hoặc đường mía: 400g
- Gừng tươi: 1 củ
- Mè đen rang: 50g
- Dầu ăn
Bánh trôi tàu không chỉ là món ăn hấp dẫn mà còn rất dễ làm, rất phù hợp để đãi cả gia đình trong những ngày mưa gió như hôm nay.
Bước 1: Sơ chế nhân bánh
- Đậu xanh sau khi ngâm nước 2 tiếng, cho vào nồi hấp chín.
- Cho đậu xanh vào máy xay cùng 100ml nước (hoặc nước cốt dừa), 2 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê muối rồi xay nhuyễn.
- Bắc chảo lên bếp, cho 1 thìa nhỏ dầu ăn vào rồi cho phần đậu xanh đã xay nhuyễn vào đảo đến khi đậu đặc lại, sền sệt thì múc ra tô để nguội và viên lại thành từng viên tròn. Lưu ý cần để lửa nhỏ, đảo liên tục để nhân không bị cháy.
Giai đoạn sơ chế nhân bánh quyết định hương vị của bánh trôi tàu |
Bước 2: Làm vỏ bánh trôi
- Cho 500g bột gạo nếp vào tô, thêm chút muối rồi đổ nước ấm vào từ từ. Khi đổ nước cần nhào liên tục để bột mịn dẻo. Sau khi nhào để bột vào trong bát đậy kín để bột nở đều.
- Lấy bột ra tiếp tục nhào đến khi dẻo thì chia thành từng viên cỡ quả bóng bàn.
Chia bột thành từng viên cỡ quả bóng bàn để làm vỏ bánh trôi |
Bước 3: Nặn bánh
- Lấy các viên bột đã vo ra cán dẹt, đặt nhân đậu xanh vào giữa rồi bọc kín lại. Cần lưu ý để phần bột bọc kín phần đậu xanh, tránh cho nhân bị trào ra khi luộc bánh.
Khi nặn bánh cần chú ý bọc kín phần đậu xanh |
Bước 4: Luộc bánh
- Bắc nồi lên bếp, đổi khoảng 2 lít rưỡi nước vào đun sôi
- Thả nhẹ nhàng những viên bánh đã nặn vào nồi nước đang sôi, đảo đũa đều tay để bánh không dính đáy nồi. Để ý khi bánh nổi lên trên mặt nước là bánh đã chín. Nhanh tay vớt ra thả vào thau nước lạnh để bánh không bị dính, đồng thời giúp phần bột dẻo hơn.
Khi luộc bánh, bánh nổi lên mặt nước tức là đã chín |
Bước 5: Nấu nước đường
- Cạo sạch gừng rồi nạo sợi.
- Cho 500ml nước vào nồi cùng đường và một xíu muối rồi đun sôi thì cho gừng vào. Liên tục lấy đũa khuấy đều đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
Nấu nước đường cùng với gừng khiến hương vị đậm đà hơn |
Cuối cùng, múc bánh trôi ra bát, chan thêm nước gừng lên rồi rắc mạt mè và dừa lên trên. Thưởng thức khi còn nóng.